3 sai lầm khiến bạn đánh mất điểm 8+ môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10

 

Bạn muốn đạt điểm 8+ môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10? Hãy tránh 3 sai lầm thường gặp và áp dụng những giải pháp sau đây để đạt thành tích cao!

 

Tự giới thiệu 1

3 sai lầm lớn khiến bạn đánh mất điểm 8+ môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 1

  1. Không học vẹt, học tủ 1
  2. Không luyện đề 2
  3. Không thường xuyên cập nhật tin tức 2

Lời kết 2

Có phải môn Văn là nỗi lo ngại lớn nhất của bạn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10? Bài viết này sẽ giúp bạn tránh 3 sai lầm lớn khiến bạn “học mãi không giỏi” môn Văn và giúp bạn vươn tới mục tiêu 8+. Chắc chắn đây là những thông tin bạn không thể bỏ qua nếu bạn muốn thoát khỏi nỗi sợ môn Văn và đỗ vào ngôi trường cấp 3 mơ ước. Hãy khám phá ngay!

 

Tự giới thiệu

Đầu tiên, xin tự giới thiệu, mình là một học sinh chuyên Văn và đặc biệt rất yêu môn Văn. Mình biết có rất nhiều bạn ngán ngẩm môn Văn và xem đó là một môn học “gây buồn ngủ”. Nhưng chúng ta đều phải chấp nhận một sự thật đó là môn Văn là môn học chính và vô cùng quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lẫn kỳ thi đại học. Thế nên, dù cho có không thích, chúng ta cũng phải học và “tập cách yêu” môn Văn thôi, đúng không?

 

Do đó, trong bài viết này, mình với tư cách là một người đã từng vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với số điểm 8+ môn Văn sẽ chia sẻ đến các bạn 3 sai lầm cần tránh để đạt điểm cao môn học “khó nhằn” này nhé!

3 sai lầm lớn khiến bạn đánh mất điểm 8+ môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10

  • Không học vẹt, học tủ

Đây là cách những bạn “không yêu Văn” thường làm để cố gắng vượt qua môn Văn. Cũng phải thôi, vì đây là cách dễ nhất, ráng “nhồi nhét” từng chữ vào đầu còn hơn là không học. Đầu tiên, mình xin biểu dương tinh thần “bất khuất”, dám đối đầu với cái khó của các bạn. Nếu các bạn có thể học thuộc 7749 các bài văn mẫu để rồi vô thi viết lại “y như đúc” thì bạn quá tuyệt vời,  vì mình chưa bao giờ thuộc nổi một bài văn, thậm chí bài đó mình tự viết. Nhưng có mấy ai làm được việc đó, chưa kể là học thuộc làu làu, đến khi gặp áp lực phòng thi, đang viết thì chữ tự dưng bay mất thì thôi rồi, chúc mừng bạn đã tạch Văn. Hay có trường hợp, bạn đã cố gắng học thuộc 9/10 bài, vậy mà xui đến nỗi, vô thi ngay bài thứ 10 thì công sức của bạn cũng “đổ sông đổ biển”.

 

Vậy nên, mình khuyên các bạn KHÔNG NÊN HỌC VẸT, HỌC TỦ mà hãy HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI. “Học, học nữa, học mãi” ở đây nghĩa là các bạn nên học toàn bộ những bài văn học và không bỏ sót bài nào. Đừng hoảng nhé, mình chưa nói hết! Học toàn bộ nhưng học một cách thông minh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với học thuộc hơn 10 bài văn rồi vào thi viết “y đúc” đấy!

 

Mình thường học bằng cách phân chia chủ đề. Những chủ đề của môn Văn thường có điểm chung như nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, người lính, mẫu tử, phụ tử,… Mình sẽ gom những bài có chung chủ đề lại với nhau để học. Điều này giúp mình dễ nhớ hơn và giúp mình so sánh, liên hệ từng bài với nhau. Cách này giúp mình làm phần Nghị luận văn học luôn đạt điểm cao vì mình có thể nhớ rõ bài chính cần phân tích và biết so sánh, liên hệ với những bài đã học khiến bài văn có chiều sâu hơn.

 

Còn một cách nữa đó là học theo giai đoạn. Một số người bạn của mình lại ưa học cách này hơn. Cái này thì tuỳ vào mỗi người sẽ có phương pháp phù hợp riêng. Nhưng mình thấy cách này cũng khá hay và hữu ích. Những bài văn học chúng ta được học sẽ chia theo giai đoạn như: Văn học trung đại, Văn học kháng chiến chống Pháp, Văn học kháng chiến chống Mỹ, Văn học sau năm 1975,… Việc chia giai đoạn như vậy sẽ giúp bạn nhớ được thời điểm sáng tác bài viết để liên hệ với thời đại dễ hơn, nếu bạn nào giỏi sử thì việc này rất tuyệt vời, bạn sẽ có điểm cộng lớn nếu có thể liên hệ yếu tố lịch sử vào bài.


  • Không luyện đề

Nhiều bạn thường chăm chăm học những bài văn học để lấy 4.0 điểm phần Nghị luận văn học. Đây là một chiến thuật sai lầm nhất. Mình biết các bạn rất áp lực vì điểm phần khó nhất lại cao nhất. Thế nên các bạn chỉ ôn mỗi phần đấy và bỏ qua những phần khác. Và rồi các bạn cũng “không thèm” luyện đề vì nghĩ chỉ cần học thuộc những bài văn học là đủ để thi Văn. Các bạn cho rằng phần đọc hiểu là quá dễ và phần Nghị luận xã hội chỉ cần “chém gió” là có điểm. Nhưng chiến thuật của mình là, cái gì càng dễ lấy điểm thì càng phải tranh thủ lấy điểm, tối đa luôn càng tốt.

 

Sau khi đã ôn tập lý thuyết, mình sẽ dành khoảng 3-4 tháng để luyện đề. Việc luyện đề sẽ giúp mình quen với cấu trúc của đề, từ đó, khi tiếp xúc với đề thi thật cũng đỡ bỡ ngỡ hơn. Tuy nhiên, luyện đề một mình sẽ rất dễ nản và cũng không biết mình cần cải thiện ở đâu. Thế nên mình khuyên các bạn nên tìm ít nhất một người bạn đồng hành trong quá trình này

 

Trong quá trình luyện đề, mình thường làm rất nghiêm túc như khi đi thi thật. Do đó, việc chuẩn bị một không gian yên tĩnh, tránh xa các thiết bị điện tử và canh thời gian chuẩn là điều vô cùng quan trọng. Sau khi hoàn thành, mình với bạn mình sẽ chấm điểm chéo cho nhau. Nếu có những quan điểm không đồng nhất, chúng mình sẽ cùng nhau thảo luận, phản biện và có thể hỏi thầy cô nếu cần thiết. Mình cho rằng, đây là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình ôn luyện. Bởi vì chúng ta không thể phát hiện lỗi sai của bản thân. Thứ hai, việc chấm chéo cho nhau sẽ giúp chúng ta học hỏi thêm những cái hay từ người bạn đồng hành của mình. Và cuối cùng, quá trình phản biện với nhau và nhờ thầy cô giúp đỡ sẽ giúp chúng mình hiểu bài sâu hơn và nhớ bài lâu hơn.

  • Không thường xuyên cập nhật tin tức

Nhiều bạn cho rằng mình không phù hợp với môn Văn vì nó quá bay bổng, xa rời thực tế. Nhưng mình thấy môn Văn có mối liên hệ rất mật thiết với thực tế. Nhất là phần Nghị luận xã hội, thường có 2 dạng: Nghị luận về tư tưởng đạo lý và Nghị luận về sự vật hiện tượng. Nhìn chung hai dạng này đều liên quan đến những trải nghiệm và cách nhìn nhận của học sinh về những vấn đề trong cuộc sống. Thế nên, ngoài việc dành thời gian ôn luyện, mình khuyên các bạn nên cập nhật những thông tin, kiến thức và giá trị hữu ích diễn ra xung quanh chúng ta hằng ngày. Điều này giúp chúng ta viết bài Nghị luận xã hội có chiều sâu hơn, thực tế hơn và cũng giúp chúng ta bồi dưỡng tư duy, những góc nhìn mới về cuộc sống

 

Thứ hai, cập nhật tin tức ở đây còn là việc chúng ta nên cập nhật những xu hướng đề thi trong những năm gần đây. Mình thường xem các buổi livestream giải đề của những năm gần và luyện đề online. Đây cũng là một cách học Văn giúp mình đỡ chán hơn. Học qua các nhóm học tập ở mạng xã hội cũng là một cách hay giúp mình cập nhật thông tin về đề thi, xu hướng đề, phương pháp học tập, góc nhìn hay ho từ những bạn bè ở khắp mọi miền. Những điều này sẽ giúp các bạn hình dung được những gì cần học và phương pháp ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất.

 

Lời kết

Trên đây là những kinh nghiệm cá nhân mình đã đúc kết được qua quá trình ôn luyện thi môn Văn cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và áp dụng được cho cả kỳ thi đại học. Từ đó, mình mong những chia sẻ này sẽ giúp quá trình ôn luyện của các bạn sẽ hiệu quả và tối ưu hơn. Chúc các bạn học sinh lớp 9 ôn luyện thành công và đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.