Những khó khăn thường gặp của quá trình tự học là gì? Làm thế nào để vượt qua những thách thức để tự học một cách hiệu quả? Khám phá ngay 6 khó khăn của tự học và cách vượt qua tại bài viết sau!

Trong quá trình tự học bạn sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức. Nhưng điều quan trọng là bạn cần phải biết và giải quyết những vấn đề mà bản thân đang đối mặt và từ đó có những mục đích tiếp theo cho bản thân mà hạn chế được những khó khăn đã trải qua. Tự học có thể được hình thành do thói quen của bản thân và xuất phát từ nhu cầu cũng như mục tiêu bạn đặt ra. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ được những khó khăn và thách thức trong quá trình tự học.

  • Thiếu động lực tự học

Khi tự học đồng nghĩa với việc bạn sẽ dành thời gian để tự mình tìm hiểu, tự nghiên cứu và tạo thói quen độc lập. Vì vậy, bạn sẽ không có được động lực như khi học chung với bạn bè. Ngoài ra, khi gặp vấn đề khó khăn, bạn sẽ cảm thấy bối rối hoặc chán nản vì không tìm ra cách giải quyết, nếu không có sự giúp đỡ, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc.

Giải pháp: 

Nếu bạn muốn tạo cho mình thói quen tự học mà không gặp khó khăn về động lực, bạn có thể gặp gỡ bạn bè và cùng nhau giải quyết những khó khăn đó. Tổ chức những buổi học nhóm mỗi tuần cũng là một giải pháp hay giúp bạn thay đổi không gian học tập, tránh sự nhàm chán trong việc tự học.

Đồng thời bạn nên có kế hoạch học tập hợp lý và phân chia thời gian phù hợp. Điều này sẽ giúp bạn tránh học dồn nhiều môn cùng một lúc hay có những ngày không học môn nào. Việc lên kế hoạch trước cũng giúp bạn học một cách khoa học và hiệu quả hơn. Bạn sẽ biết tiến độ học tập của mình đang tiến triển như thế nào và quản lý thời gian bản thân thật tốt. 

  • Dễ mất tập trung

Mất tập trung là một điều không thể tránh khỏi trong quá trình tự học. Điều này xuất phát từ các yếu tố bên ngoài tác động vào như tiếng chuông điện thoại, tin nhắn, tiếng ồn mọi người xung quanh,… Lúc này, bộ não của bạn sẽ phát ra nhiều tín hiệu khiến bạn dễ gác lại việc tự học. 

Hay khi bạn học liên tục hàng giờ đồng hồ, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, quá trình nghỉ ngơi đó có thể khiến bạn mất nhiều thời gian và rồi xao nhãng việc tự học. Hay khi gặp những bài tập khó, việc tìm nhiều cách giải nhưng vẫn không ra sẽ khiến bạn nản chí và giảm sự tập trung vào việc tự học.

Giải pháp: 

Trong quá trình học, nên tắt hết các thiết bị điện tử và tránh xa những tác nhân có thể khiến bạn mất tập trung. Bạn nên để điện thoại ở chế độ “Không làm phiền” trong suốt quá trình học. Thậm chí bạn có thể tắt hẳn Internet để tránh sự phiền nhiễu. 

Việc học liên tục hàng giờ đồng hồ mà không nghỉ ngơi sẽ khiến bạn mệt mỏi. Bạn nên phân chia thời gian phù hợp. Ứng dụng phương pháp Pomodoro cũng là một cách hay giúp bạn hạn chế sự mệt mỏi trong quá trình tự học. Cứ mỗi 25 phút trôi qua, bạn sẽ nghỉ ngơi 5 phút. Hãy dành 5 phút đó để đi quanh phòng, nghe một bản nhạc hay tập những bài thể dục đơn giản. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại hay truy cập Internet ngay lúc này bởi đó có thể là cám bẫy khiến bạn khó có thể quay lại bàn học đấy!

  • Thiếu phương pháp học tập

Khi tự học, đôi lúc bạn sẽ hoài nghi rằng liệu bản thân có đang học đúng phương pháp hay không vì học mãi chẳng thấy kết quả tốt. Bạn sẽ nhận thấy khi học có thầy cô hướng dẫn sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Điều này chỉ đúng khi bạn bắt đầu tự học một môn học mới hoặc bạn là người chưa có kinh nghiệm khi tự học.

 

Giải pháp:

Khi bạn bắt đầu với việc tự học thì bạn phải tìm được phương pháp học phù hợp với mình. Bạn nên tìm hiểu về các phương pháp tự học thông qua các nhóm học tập và tham khảo thêm bạn bè cũng như nhũng người đã có kinh nghiệm, để có thể hạn chế những khó khăn mà bạn gặp phải trong quá trình tự học.

  • Thiếu sự phản hồi

Trong quá trình tự học, bạn sẽ phải tìm hiểu rất nhiều nội dung. Nhưng bạn có thể không biết liệu mình có đang học đúng vấn đề trọng tâm hay chưa, bạn sẽ bị hoang mang với một số nội dung, cùng một câu hỏi nhưng lại nhiều đáp án. Điều này đặc biệt đúng khi bạn không có ai để hướng dẫn hoặc đánh giá bài làm của bạn.

Nếu như học ở trường, bạn sẽ có cô, thầy cùng hướng dẫn và đánh giá bài làm của bạn. Bạn sẽ biết mình sai ở đâu, nội dung nào là trọng tâm. Nhưng khi tự học bạn sẽ tự làm điều đó, vì vậy mà bạn sẽ không có sự phản hồi và gây ra nhiều khó khăn cho bạn.

Giải pháp:

Để khắc phục vấn đề này, ngoài giờ tự học ra bạn cần có thời gian gặp gỡ bạn bè, thầy cô, người có thể đánh giá bài học của bạn. Bạn nên chủ động nhờ mọi người giúp đỡ với những khó khăn mình gặp phải. Điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình tự học.

  • Lượng kiến thức quá nhiều

Khi bạn tự học, bạn sẽ thấy được có rất nhiều nguồn tài liệu cũng như nhiều nội dung. Và nếu không có tìm hiểu kĩ càng và chọn lọc thì dễ gây chán nản vì lượng kiến thức quá nhiều. Trong cùng một thời gian ngắn, bạn bắt mình phải đọc hết nội dung của cuốn sách đó và hậu quả là nhìn vào sách vở bạn sẽ thấy không còn hứng thú nữa.

Tuy nhiên, có rất nhiều người học vừa duy trì được khả năng tự học và lại thích đọc nhiều sách. Họ là người biết lập ra kế hoạch và tự tin vào khả năng của bản thân, họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để làm chủ được bản thân mình. Vậy nên, nếu bạn là người đang tự tìm hiểu, tự nghiên cứu thì bạn nên lập ra kế hoạch cụ thể cùng với sự kiên trì, bản lĩnh bạn sẽ đạt được mục đích của mình.

Giải pháp:

Bạn nên có lời tuyên bố cho bản thân ngay từ ban đầu. Điều này đóng vai trò như một kim chỉ nam để giúp bạn đi đúng hướng. Ví dụ bạn tuyên bố với bản thân rằng: “Mình sẽ đạt 10 điểm môn Toán lần kiểm tra tới”. Vậy thì để đạt được nó, bạn cần phải xác định lần kiểm tra môn Toán tiếp theo sẽ bao gồm những phần kiến thức nào. Sau đó, bạn chỉ cần tập trung vào đúng những phần đó. Tránh việc học lan man và rồi không mang lại bất kỳ một kết quả cụ thể nào.

  • Thiếu cơ sở vật chất

Đây là yếu tố không thể thiếu trong những bài học cần phải thực hành. Khi tự học, bạn sẽ bó hẹp trong một không gian riêng của mình, nhưng khi vấn đề mà bạn nghiên cứu cần đến thực hành thì lại là một khó khăn đối với bạn. Đặc biệt đối với những môn tự nghiên cứu về khoa học thì đây là một yếu tố quyết định bạn có tiếp thu được bài học hay không.

Khi học ở trường bạn sẽ tiếp thu kiến thức thông qua cách giảng bài lôi cuốn của giáo viên, hoặc các buổi thực hành thí nghiệm. Nhưng khi bạn tự học thì chỉ có sách vở và màn hình máy tính, điều này dễ gây cho bạn cảm giác không còn hứng thú với việc tự học của mình nữa.  

Giải pháp:

Bạn có thể thay đổi môi trường học tập thường xuyên để gây cảm giác thích thú trong quá trình tự học. Bạn có thể đến các nhà sách khác nhau, các quán cafe khác nhau hoặc ở thư viện,…Khi thay đổi môi trường học tự học, bạn sẽ cảm giác như mình đang bắt đầu một điều mới và không còn gây nên sự chán nản. Và nếu trong quá trình tự học, bạn thiếu những vật dụng gì thì có thể nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, nguời thân hoặc thầy cô hay bất cứ ai có thể giúp bạn để giải quyết khó khăn mà bạn gặp phải.

Kết luận:

Tự học là một thói quen tốt và ai trong chúng ta cũng cần phải có. Tuy nhiên, trong quá trình tự học gặp không ít khó khăn và thách thức, đòi hỏi bạn phải hiểu rõ để tránh những khó khăn xảy ra với mình. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn biết được những khó khăn và từ đó bạn sẽ có những cách giải quyết để có thể đạt được mục tiêu của mình trong quá trình tự học.