lười học

Vì sao học sinh ngày nay được tạo nhiều điều kiện để học tập nhưng vẫn lười học? Khám phá ngay 7 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng lười học ở học sinh!

Được tạo mọi điều kiện để học, được học trong lớp học đầy đủ tiện nghi, được ba mẹ chăm lo đầy đủ. Thế nhưng tại sao rất nhiều học sinh ngày nay lại lười học? Hãy cùng eTeacher.vn tìm hiểu lý do vì sao học sinh ngày nay lười học qua bài viết sau! Dưới đây là 7 nguyên nhân phổ biến được eTeacher.vn tổng hợp qua quá trình làm việc với nhiều phụ huynh và học sinh.

7 nguyên nhân khiến học sinh ngày nay lười học

1.Thiếu động lực

Thiếu động lực là một trong những nguyên nhân khiến học sinh trở nên lười học. Động lực là nguồn lực thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước để đạt được mục tiêu đã chọn. Khi thiếu động lực, sự hứng thú và năng lượng để học tập giảm đi, tạo ra trạng thái lười biếng. Đồng thời, nó khiến bạn mất dần mục tiêu và không biết bản thân học để làm gì, để đạt được điều gì. 

Giải pháp: Để khắc phục tình trạng này, hãy tìm hiểu rõ về những ước mơ và khát vọng của bạn. Liên kết mục tiêu học tập cụ thể với những ước mơ đó. Hãy nhớ rằng việc học là cách bạn tiến gần hơn đến ước mơ của mình và tạo ra cơ hội cho tương lai.

2. Phương pháp học không phù hợp

Mỗi người có phương pháp học tập riêng và không có một phương pháp duy nhất phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu bạn sử dụng phương pháp học không phù hợp, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, chán chường và giảm động lực học tập. 

Giải pháp: Để tránh tình trạng lười học, bạn hãy thử áp dụng các cách học khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bạn. Dù là học bằng việc đọc sách giáo trình, làm bài tập thực hành, xem video hướng dẫn, tham gia vào nhóm học tập hoặc tạo ra các sơ đồ tư duy. Bạn cần trải nghiệm, quan sát và đánh giá xem phương pháp nào giúp bạn hiểu bài học tốt nhất và giữ được hứng thú học tập của mình. Chắc chắn rằng bạn sẽ tìm ra cho mình một phương pháp học hiệu quả.

3. Sự ảnh hưởng từ môi trường xung quanh 

Môi trường học tập cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lười học. Do môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tinh thần, khả năng tập trung và mài mòn động lực học. Khi có quá nhiều tiếng ồn từ xung quanh khả năng tập trung của bạn có thể bị giảm dẫn đến việc tiếp thu và ghi nhớ kiến thức trở nên khó khăn hơn. 

Môi trường học tập tốt giúp tạo ra một không gian thoải mái để duy trì sự tập trung, động lực và tạo điều kiện để học tập hiệu quả. Ngược lại, môi trường không tốt khiến bạn dễ xao nhãng bởi các yếu tố xung quanh. Bằng cách tạo ra một môi trường học tập tích cực, bạn có thể cải thiện khả năng ghi nhớ, gia tăng hiệu suất học tập và sự tương tác xã hội trong quá trình học.

Giải pháp: Hãy xây dựng một góc học tập riêng cho bản thân. Một góc yên tĩnh cùng với việc trang trí bằng những màu bạn yêu thích hay dán những hình ảnh, sticker,… sẽ giúp góc học tập của bạn trở nên thu hút hơn. Điều này sẽ giúp bạn tăng cảm hứng học tập và thích việc ngồi vào bàn học. Bạn cũng có thể thường xuyên thay đổi môi trường học sang thư viện, quán cà phê học bài hay bất kỳ một nơi yên tĩnh nào đó để cảm thấy hứng thú học tập hơn.

4. Quản lý thời gian không hiệu quả

Khi không quản lý thời gian một cách hiệu quả, bạn không thể xác định được những công việc quan trọng cần ưu tiên. Nhất là khi lập kế hoạch học tập mà không biết cách quản lý thời gian sẽ dễ dẫn đến lười biếng.

Quản lý thời gian không hiệu quả có thể dẫn đến việc không có đủ thời gian dành cho gia đình, bạn bè hoặc giải trí nào khác ngoài việc học. Điều này có thể gây ra sự mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hãy lập thời gian biểu dành cho học tập một cách hợp lý và học cách quản lý thời gian hiệu quả để không trải qua tình trạng mất cân bằng trên.

Giải pháp: Bạn hãy lập danh sách các việc cần làm vào mỗi ngày theo thứ tự ưu tiên và lên kế hoạch thực hiện chúng. Và đừng quên hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi phù hợp để nạp lại năng lượng sau quá trình học tập căng thẳng. Đồng thời bạn nên loại bỏ những tác nhân có thể làm bạn xao nhãng như điện thoại hay mạng xã hội. Điều này sẽ giúp bạn tập trung học tập hơn và học có hiệu quả hơn.

5. Chỉ học trên lý thuyết

Nếu bạn chỉ học lý thuyết mà không tìm thấy tính ứng dụng của các định lý đã học bạn sẽ không thấy được mục tiêu và ý nghĩa của việc học. Động lực để tiếp tục học có thể giảm đi lâu dần sẽ trở nên lười học. 

Áp dụng kiến thức vào thực tế giúp bạn nắm vững và ghi nhớ kiến thức một cách tốt hơn. Khi không thể áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế sẽ làm giảm sự quan tâm và niềm tin vào giá trị của kiến thức đã được học. 

Ví dụ như bạn có biết tại sao lại dùng bạc để cạo gió khi bị bệnh không? 

Khi bị bệnh cảm, cơ thể con người có thể tích tụ một lượng khí hydrogen sulfide (H2S) tương đối cao. Sự tích tụ này có thể gây ra mệt mỏi và cảm giác không thoải mái. Do đó ông bà ta thường dùng bạc để cạo gió vì bạc tương tác với khí H2S trong cơ thể. Quá trình này dẫn đến hình thành chất bạc sulfide (Ag2S) và nước (H2O) theo phản ứng

4Ag + 2H2S + O2 → 2Ag2S + 2H2O

Kết quả là lượng H2S trong cơ thể giảm, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh cảm. Miếng bạc sau khi được sử dụng để cạo gió thường có màu đen xám do sự hình thành chất Ag2S.

Đọc thêm tại Thầy Dũng dạy hóa

Giải pháp: Hãy áp dụng kiến thức đã học vào các hiện tượng sự vật xảy ra xung quanh mình. Chắc chắn điều này sẽ giúp bạn trở nên thông thái hơn trong mắt những người xung quanh. Đồng thời điều này cũng sẽ tạo động lực để bản thân cố gắng học thêm nhiều kiến thức mới. 

6. Chán nản với các kiến thức cũ

Khi ôn tập lại cùng một kiến thức nhiều lần, bạn có thể cảm thấy nhàm chán và mất hứng thú để ôn tập. Điều này chính là nguyên nhân quan trọng khiến bạn trở nên lười học. 

Thêm nữa, nếu chỉ tập trung vào ôn tập kiến thức đã biết nhiều lần có thể trói buộc sự sáng tạo của bạn vào một khuôn khổ. Việc gặp phải thử thách và khám phá ra những khía cạnh mới của các lý thuyết đã được học sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của bạn. Vì vậy khi đã quá quen với nội dung đã học, hãy tìm kiếm những nội dung thú vị liên quan đến nó.

Giải pháp: Nếu bình thường bạn học qua sách vở, hãy thử tìm những video giảng lại bài trên mạng và học theo một phương pháp mới hơn. Bạn có thể học qua các ứng dụng, buổi livestream hay cộng đồng học tập trực tuyến. Khi tiếp xúc với những phương pháp học tập mới, bạn sẽ có cơ hội khám phá những khía cạnh mới của các kiến thức. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy việc học vô cùng thú vị.

7. Áp lực

Áp lực từ gia đình, giáo viên hoặc kỳ vọng về bản thân có thể gây ra áp lực khiến bạn trở nên mệt mỏi và làm giảm động lực cũng như hứng thú với học tập. Không những thế, áp lực từ sự thành công, áp lực thi cử cũng có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi khi nhắc đến việc học và trở nên lười học.

Giải pháp: Hãy tạm dừng lại và lắng nghe bản thân. Sau đó hãy suy nghĩ thật kỹ để tìm ra điểm mạnh, yếu, ước mơ và khát khao muốn đạt được. Đề từ đó tìm ra cho mình một lộ trình phù hợp mà không cần phụ thuộc vào mong muốn của ai khác. Đồng thời, điều này cũng giúp bạn có thời gian hiểu về bản thân nhiều hơn để không tự áp lực chính mình.

Tổng kết 

Bằng cách hiểu và giải quyết những nguyên nhân trên, chắc chắn bạn sẽ tìm được động lực của riêng mình và vượt qua sự lười học. Không những thế, khi bạn tìm ra nguyên nhân của sự lười học và tìm ra giải pháp, điều đó sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất học tập và tạo ra một môi trường học tích cực, sự sáng tạo.