Áp lực đồng trang lứa và nỗi sợ của Gen Z

 

Áp lực đồng trang lứa chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với các bạn Gen Z. Áp lực này được hình thành khi mọi người đều cho rằng Gen Z ngày nay đang có quá nhiều điều kiện, quá nhiều cơ hội nhưng lại không có nhiều phát triển vượt bậc. Hay có nhiều bạn Gen Z quá giỏi, quá xuất sắc, nhưng cũng có những bạn chưa có thành tích nổi bật nào. Và từ đó, cụm từ “áp lực đồng trang lứa” được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết.

 

Những tấm gương Gen Z vạn người mơ ước

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe về những tấm gương Gen Z “vạn người mê” như: Tiktoker làm gì để có 30 triệu/ tháng, Gen Z tự tin với thu nhập 50 triệu/ tháng, Nữ sinh Hà Nội 19 tuổi kiếm 100 triệu/ tháng,… 

 

Mới đây, trên Facebook xuất hiện hội nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” với hơn 1,4 triệu thành viên, nhận được sự quan tâm đông đảo từ cư dân mạng và có cả sự góp mặt từ những người nổi tiếng với thành tích đáng nể. Có thể kể đến là Jenny Huỳnh, Phương Mỹ Chi, Nguyễn Lâm Thảo Tâm,… là những gương mặt Gen Z nổi bật cũng góp mặt “khoe” những thành tích choáng ngợp của mình. 

 

Thực tế, Gen Z ngày nay có rất nhiều bạn giỏi, Jenny Huỳnh đã bắt đầu kinh doanh từ năm 12 tuổi, 18 tuổi đậu Đại học Standford và sở hữu kênh youtube 1 tỷ lượt xem. Hot girl IELTS Nguyễn Lâm Thảo Tâm đạt 8.5 IELTS vào lần thi đầu tiên năm 17 tuổi, quán quân EF Challenge Việt Nam, đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn lãnh đạo trẻ thế giới tại Brazil năm 19 tuổi. 

 

Vậy đây có phải là lý do dẫn đến áp lực đồng trang lứa của những bạn Gen Z còn lại?

 

Thế nào là áp lực đồng trang lứa?

Áp lực đồng trang lứa (thuật ngữ chuyên ngành là Peer Pressure) là một cụm từ chỉ về sự áp lực của một cá nhân khi đối mặt với những người cùng độ tuổi, cùng địa vị hay cùng nhóm xã hội có nhiều thành tích nổi trội hơn và được cho là thành công hơn về mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ học tập, công việc, thu nhập, thành tích,….

 

Nói một cách dễ hiểu, áp lực đồng trang lứa là việc một người cảm thấy bản thân kém cỏi khi thấy bạn bè xung quanh kiếm được nhiều tiền hơn mình, đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn mình và nảy sinh cảm xúc tiêu cực về điều đó. Hay cũng có thể một người cảm thấy bản thân vô dụng khi bị đem ra so sánh với một người đồng trang lứa. Sự so sánh ấy khiến họ cảm thấy áp lực, chán nản và tự ti.

 

Người bị áp lực đồng trang lứa sẽ như thế nào?

Những người bị áp lực đồng trang lứa thường có những biểu hiện sau:

  • Cảm thấy lo lắng khi thấy người khác khoe khoang thành tích của mình
  • Cảm thấy bất an và nghĩ rằng mình phải luôn cố gắng, nếu không sẽ thua bạn bè
  • Mất ngủ vì suy nghĩ nhiều về việc mình không bằng người khác
  • Cảm thấy bản thân kém cỏi, vô dụng khi nhìn thấy thành công của người khác
  • Cảm thấy tự ti khi kể đến bản thân
  • Luôn né tránh người giỏi hơn mình
  • Tách biệt bản thân ra khỏi nhóm bạn bè giỏi hơn mình
  • Tìm những nhược điểm của người khác để tôn bản thân lên
  • Che giấy những nhược điểm của mình và luôn tìm cách thể hiện ưu điểm của bản thân, đôi khi là phóng đại bản thân để người khác không thấy mình kém cỏi
  • Thường nghi ngờ, sợ người khác coi thường mình 
  • Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, cho rằng bản thân cố gắng như vậy vẫn chưa đủ
  • Thường có nhiều suy nghĩ tiêu cực, dễ cáu gắt khi nói về những người giỏi hơn mình về các vấn đề như thu nhập, công việc, học tập,…

 

Đây là những dấu hiệu cho thấy một người đang có áp lực đồng trang lứa. Liệu những biểu hiện này có hoàn toàn là tiêu cực? Có phải chăng áp lực đồng trang lứa chỉ mang đến những hậu quả xấu? Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này nhé!

 

Áp lực đồng trang lứa do đâu mà ra?

Áp lực đồng trang lứa có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

 

  • Ba mẹ khiến con bị áp lực đồng trang lứa

Ở Việt Nam, có lẽ cụm từ con nhà người ta đã không còn quá xa lạ. Đây cũng là câu nói quen thuộc trong các gia đình Việt “Mày nhìn con nhà người ta…” như một cách để thúc đẩy con nhà mình cố gắng hơn để hơn “con nhà người ta”. Đặc biệt, trong tư tưởng của nhiều bậc phụ huynh, nếu không so sánh con thì con chỉ biết bản thân chứ không biết cố gắng cho bằng hoặc hơn người khác. Có lẽ vì vậy mà sự so sánh được xem là bình thường và đôi khi cũng là một cách dạy con của ba mẹ Việt.

 

“Mày nhìn con của ông A, ông B được học bổng kìa, con mày,…” hay “Bằng tuổi con, mẹ đã làm được…” hay “Sao con người ta nhìn thấy ham, con mình thì…”. Những tưởng điều này sẽ khiến con phấn đấu hơn. Nhưng thực tế, kết quả của việc so sánh vốn dĩ không như mong muốn của ba mẹ. Thay vì cố gắng hơn, con sẽ hình thành tâm lý phản kháng, chán ghét bản thân cho đến chống đối ba mẹ. Khi bị so sánh với người khác, con sẽ cảm thấy bản thân kém cỏi, thua thiệt và dần dần trở nên nghi ngờ năng lực của bản thân. Và về lâu dài, áp lực đồng trang lứa trong con sẽ được hình thành.

 

  • Định kiến xã hội có đang chèn ép con người?

Nhiều bạn trẻ thường có nỗi ám ảnh về “bà hàng xóm”, đây không hẳn là đùa mà là thực tế trong xã hội. Trong các buổi trò chuyện của những người lớn, họ hàng và cả những người hàng xóm với nhau, con cái luôn là một chủ đề không ngưng hot. Khi nhắc đến con cái, ai cũng muốn con mình là giỏi nhất, xuất sắc nhất. Thế là con cái được đưa lên bàn cân để so sánh ở mọi khía cạnh: học hành, công việc, thu nhập, thành tích,… Và rồi điều đó vô tình khiến các con trở nên áp lực.

 

Những thành tích xuất sắc, chức vụ cao, thu nhập khủng là những thứ mà ai cũng ao ước và rồi trở thành một thước đo của các ba mẹ với nhau và áp lực lên con cái. Con mình phải toàn diện, phải giỏi giang, phải là số một để ba mẹ tự hào, để ba mẹ có cái để khoe với bạn bè. Từ những định kiến như thế mà biết bao chuẩn mực ra đời, con ngoan là phải đậu trường Top, có công việc ổn định, thu nhập cao ngất ngưỡng và tất nhiên là phải cao hơn những người bạn đồng trang lứa. Những điều đó như một hòn đá lớn đè nặng lên vai của những đứa con khi luôn phải gồng mình, cố gắng vì sự tự hào của ba mẹ, sự công nhận của xã hội và ánh mắt ngưỡng mộ của những người xung quanh. Áp lực đồng trang lứa cũng từ đó được hình thành. Thử hỏi, liệu ai cũng ganh đua với nhau đến “sức cùng lực kiệt” vậy cuối cùng, người chiến thắng có phải là người hạnh phúc nhất? Liệu rằng, chiến thắng này có thực sự cần thiết để đánh đổi sự đè nặng lên sức khoẻ tinh thần của chúng ta mỗi ngày?

 

  • Mạng xã hội là con dao hai lưỡi

Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đem lại như giúp chúng ta cập nhật thông tin nhanh, kết nối với bạn bè trên toàn thế giới, mang đến những kiến thức đa chiều,… Tuy nhiên, đối với vấn đề áp lực đồng trang lứa, mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân chính. 

 

Ở mạng xã hội, người dùng được tự do chia sẻ về bản thân, về những thành tích, trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân. Chỉ vài phút lướt mạng xã hội, chúng ta có thể được “mở mang tầm mắt” về những tấm gương xuất sắc, nổi trội, đạt được nhiều thành tựu khủng, sở hữu tài sản “vạn người mê” nhưng có thật không khi họ cũng chỉ bằng tuổi chúng ta? Và từ đó mà áp lực đồng trang lứa cũng được hình thành. 

 

  • Áp lực đồng trang lứa xuất phát từ chính chúng ta

Một người hay có suy nghĩ tiêu cực, luôn muốn hơn người khác mà lại không cố gắng lại càng dễ bị áp lực đồng trang lứa hơn bao giờ hết. Xuất phát từ sâu trong thân tâm chúng ta, không ai muốn mình thua người khác. Chính vì thế, sẽ có người vô cùng cố gắng, để đạt được những kết quả tốt. Nhưng cũng sẽ có những người đố kị, không muốn người khác hơn mình nhưng chính mình cũng không phấn đấu để tốt hơn người khác. Những người tiêu cực ấy sẽ luôn có cảm giác lo lắng bất an khi người khác hơn mình, luôn cố gắng tìm những điểm chưa tốt của người khác để đề cao bản thân. Và cuối cùng, khi nhìn lại, bản thân lại ngày càng kém cỏi, áp lực đồng trang lứa lại một lần nữa đè nặng lên họ.

 

Đối với một vấn đề, chúng ta cần có cái nhìn đa chiều. Để có được thành tích học tập xuất sắc, họ đã cố gắng chăm chỉ như thế nào. Một người có thu nhập khủng, họ đã bỏ ra biết bao nhiêu thời gian, công sức và đánh đổi cả sức khoẻ. Nếu bạn chưa cố gắng được như người khác, vậy bạn làm gì có tư cách để áp lực?

 

  • Xã hội càng phát triển, con người càng áp lực

Khi xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng tăng cao. Nếu như trước đây, chỉ cần có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc là đủ. Thì ngày nay, chúng ta còn mong cầu sự quan tâm, ngưỡng mộ từ mọi người. 

 

Với sự phát triển của internet, không khó để những cá nhân xuất sắc trở nên nổi tiếng, nhận được nhiều sự quan tâm và ngưỡng mộ của mọi người. Điều đó dẫn đến sự xuất hiện của những nhu cầu mới. Chúng ta cũng muốn được như họ, và điều đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa.

 

Những ảnh hưởng tích cực của áp lực đồng trang lứa

Mặc dù áp lực đồng trang lứa là một loại áp lực nhưng nó không hoàn toàn xấu. Thực tế, áp lực đồng trang lứa còn đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích có thể kể đến như:

  • Động lực để chúng ta cố gắng tốt hơn mỗi ngày
  • Có bạn bè giỏi là một điều tuyệt vời để chúng ta có thể học hỏi nhiều điều hay
  • Rèn luyện bản thân vượt qua những áp lực, khó khăn, trở ngại trong cuộc sống
  • Chúng ta sẽ phấn đấu nhiều hơn và phát hiện bản thân chúng ta giỏi hơn chúng ta nghĩ
  • Khi các bạn cố gắng hết mình, chắc chắn các bạn sẽ tiến bộ và xuất sắc hơn

Những ảnh hưởng tiêu cực của áp lực đồng trang lứa

  • Sức khoẻ tinh thần bị ảnh hưởng trầm trọng, dẫn đến mất ngủ, lo âu và lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm
  • Đánh mất sự tự tin về bản thân, không dám thể hiện bản thân và dần dần có suy nghĩ hạ thấp bản thân
  • Không còn là chính mình khi cứ lo chạy theo những chuẩn mực của xã hội

 

Gen Z vượt qua áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa có lẽ không còn là vấn đề xa lạ với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z ngày nay. Vậy làm thế nào để vượt qua áp lực đồng trang lứa?

 

  • Hãy yêu thương bản thân

Hãy yêu thương bản thân, chấp nhận những điểm tốt và cả những điểm chưa tốt của mình. Bạn hãy dũng cảm thừa nhận những điều thiếu sót của bản thân, khi bạn dám đối mặt với nó, bạn sẽ có cách để khắc phục và lấy lại sự tự tin. Khi chúng ta trốn tránh một vấn đề, một ngày nào đó, vấn đề đó sẽ trở lại, vì vậy, hãy dũng cảm lên, bạn nhé!

 

  • Bạn cần một người để chia sẻ

Chia sẻ là cách tốt nhất giúp chúng ta giải toả những áp lực và cảm xúc tiêu cực của mình. Hãy tìm người bạn thân của mình hay bất kì ai bạn tin tưởng và họ sẵn sàng lắng nghe bạn để nói về những vấn đề của bạn. Khi bạn có thể nói ra, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Và trong lúc trò chuyện với người bạn ấy, biết đâu bạn sẽ tìm ra được cách để giải quyết vấn đề của bản thân. 

 

  • Hãy cố gắng để không thấy hổ thẹn

Sẽ thật vô lí khi bạn luôn mong muốn giỏi như người khác mà bản thân lại không cố gắng. Bạn nên nhớ rằng, tất cả những người giỏi hơn bạn, họ đều đang cố gắng nhiều hơn bạn. Thay vì than thân trách phận, hãy dành thời gian để nỗ lực và phấn đấu, thành công sẽ luôn đợi bạn phía trước. 

 

  • So sánh bản thân với người khác không giúp bạn tốt hơn

Hãy tập trung vào chính bạn, bạn chỉ cần giỏi hơn bạn của ngày hôm qua là đủ. So sánh chỉ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của bạn mà thôi. 

 

Những thứ bạn thấy về những tấm gương “vạn người mê” trên mạng xã hội, chỉ là những thứ họ muốn cho bạn thấy mà thôi. Sẽ thật vô lí nếu bạn so sánh hậu trường của bản thân với trailer của người khác. Bạn nên nhớ rằng “Mọi thứ xảy ra trong cuộc đời này đều có cái giá của nó, ít ai được trọn vẹn”.

 

  • Đặt ra mục tiêu phù hợp với bản thân

Mỗi người đều có một thế mạnh riêng, không ai giống ai. Chỉ có bạn mới biết bản thân có thể làm được những gì, vì thế, hãy cho bản thân những mục tiêu phù hợp để cố gắng. Mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn nhanh đạt được những gì bạn mơ ước. Do đó, ngay từ bây giờ, hãy xác định bản thân bạn muốn đạt được những gì, bạn muốn trở thành người như thế nào và vẽ ra cho mình những mục tiêu phù hợp.  

Bạn có đang cảm thấy áp lực đồng trang lứa hay không? Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn!