Tại sao con lười học? Làm thế nào để giúp con không còn lười học nữa? Hãy khám phá câu chuyện về nguyên nhân khiến con lười học để có cách dạy con đúng đắn, giúp con thoát khỏi chứng lười học

Ba mẹ nào cũng mong muốn con học giỏi, chăm ngoan. Thế nhưng, đôi khi cách giáo dục của ba mẹ lại không phù hợp, khiến con ngày càng trở nên lười học hơn. Vậy đâu là cách ứng xử đúng của ba mẹ để giúp con vượt qua chứng lười học? Hãy cùng eTeacher.vn tìm hiểu câu chuyện sau đây để có cách dạy con đúng đắn.

 

Ba mẹ đôi khi chính là nguyên nhân của việc con lười học

Chị Hoàng có một cậu con trai tên là Nam năm nay lên lớp 6. Trước đây, Nam học rất giỏi. Mỗi lần họp phụ huynh về, chị Hoàng đều rất hài lòng khi Nam luôn được cô giáo tuyên dương là chăm ngoan, học giỏi. Điều đó đã trở thành một sự hiển nhiên đối với chị Hoàng. Chị cảm thấy như mình là người hạnh phúc nhất khi có cuộc sống ổn định, con học giỏi mà còn là lớp trưởng 5 năm liền vì cậu bé rất thông minh, năng động và hoạt bát. 

 

Nhưng từ khi bắt đầu lên lớp 6, khi bước sang một ngôi trường mới, tưởng như Nam sẽ tiếp tục phát huy khả năng học tập của mình, nhưng không, Nam lại thay đổi hoàn toàn khiến chị Hoàng vô cùng buồn bã. Sự việc diễn ra vào một ngày nọ, khi chị đang dọn dẹp bàn học của con trai thì phát hiện liên tiếp những bài kiểm tra Toán chỉ có 2 điểm, 3 điểm và 4 điểm, toàn điểm dưới trung bình. Thế nhưng Nam lại không hề nói gì với chị về điều này. Chị vô cùng tức giận, mặt đỏ bừng, chạy đến chỗ Nam và quát lớn: “Đây là cái gì hả Nam, con được những điểm kém này khi nào sao không nói cho mẹ biết? Con học hành kiểu gì mà chỉ có bao nhiêu đấy điểm lại còn có thói che giấu mẹ?”. Nam trở nên vô cùng hốt hoảng khi mẹ thấy bài kiểm tra điểm kém của mình. Cậu bé chẳng nói chẳng rằng, liền bật khóc nức nở. Vì quá bực tức nên chị Hoàng cũng chẳng thể dỗ dành con, chị bỏ ra chỗ khác.

Thế là từ ngày hôm đó, chị Hoàng và Nam không còn thân thiết như trước nữa. Nam cũng ít tâm sự với mẹ hơn, cậu trở nên lầm lì, ít nói. Chị Hoàng vì muốn con học tốt hơn nên đã đăng ký cho con học thêm môn Toán 6 buổi mỗi tuần. Mỗi ngày khi Nam đi học về, chị Hoàng đều dò hỏi xem hôm nay con có bài kiểm tra hay không, đôi khi chị còn lục soát cặp của con để tìm bài kiểm tra. Chị dường như bị ám ảnh với việc Nam bị điểm thấp, chị luôn tỏ vẻ ngờ vực về việc học của con, sợ con nói dối hay che giấu mình. Không những thế, vì muốn con cố gắng nhiều hơn, chị Hoàng luôn kể cho Nam nghe về con của những người bạn học hỏi, chăm ngoan hơn Nam rất nhiều, muốn Nam phải đạt được thành tích như vậy. 

Mặc dù chị Hoàng đã thử rất nhiều cách để mong muốn con học tốt hơn, thế nhưng Nam lại càng ngày càng sa sút việc học. Chị Hoàng liên tục bị giáo viên của Nam nhắc nhở về việc lầm lì, không muốn học của Nam. Thế là từ một học sinh giỏi, năng động, hoạt bát, Nam đã trở thành một học sinh có thành tích kém nhất lớp, lúc nào cũng mang vẻ mặt ủ rũ, chán chường.

Điều gì đã khiến Nam trở nên như vậy? 

 

Nguyên nhân khiến con trở nên lười học

  • Con chưa thích nghi kịp với môi trường học

Điều này thường xảy ra với những học sinh vừa chuyển cấp học hay chuyển trường. Sự thay đổi hoàn toàn về môi trường học, bạn bè, phương pháp học khiến học sinh không thích ứng kịp, dẫn đến việc chán nản và lười học. Ở trường hợp của Nam, khi vừa chuyển sang cấp học mới và ngôi trường mới, Nam có thể chưa quen với điều này. Đây là trường hợp mà nhiều học sinh gặp phải khi chuyển từ cấp 1 sang cấp 2, cấp 2 sang cấp 3. 

 

Nếu như ở cấp 1, học sinh chỉ cần đến lớp học tốt, về nhà làm bài tập đầy đủ là đạt yêu cầu, tất cả các môn học đa phần đều do giáo viên chủ nhiệm dạy. Thì khi vào cấp 2, học sinh phải học nhiều môn học mới hơn, cần phải soạn bài đầy đủ trước khi đến lớp, mỗi môn học phải làm quen với một giáo viên khác nhau sẽ khiến các em không khỏi lạ lẫm. Chính vì vậy, con cần thời gian để hoà nhập và thích nghi với những điều mới này để trở nên hoàn thiện hơn trong quá trình học.

 

  • Con cảm thấy áp lực với ba mẹ

Ba mẹ nào cũng quan tâm đến việc học của con, nhưng đôi khi, việc quan tâm chưa đúng có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Có thể thấy, trong câu chuyện của chị Hoàng, chị đã rất nỗ lực với mong muốn giúp con cải thiện thành tích. Nhưng vì những phương pháp chưa đúng của chị đã đẩy Nam ra xa chị hơn và thành tích học tập thì ngày càng giảm sút. Những việc làm của chị Hoàng đôi khi có thể gây áp lực lên Nam, cụ thể như:

  • Chị tỏ ra tức giận, mắng con khi phát hiện điểm kém thay vì nhẹ nhàng tâm sự với con tại sao con lại bị điểm kém, con đã gặp phải những khó khăn gì, tại sao con không tâm sự với mẹ. Việc nhẹ nhàng với con sẽ giúp con không cảm thấy sợ, con sẽ dễ dàng bày tỏ tâm sự của mình hơn.
  • Chị đăng ký cho con lịch học dày đặc với 6 lớp học thêm Toán mỗi tuần. Bên cạnh đó, chị không hỏi ý Nam trước khi đăng ký và ép Nam phải học. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý chống đối của trẻ. Khi được yêu cầu làm gì đó, con sẽ khó tiếp thu hơn thay vì ba mẹ hỏi ý kiến con và thuyết phục con làm.
  • Chị kiểm soát quyền riêng tư của con khi lục soát cặp con để tìm bài kiểm tra. Điều này cho thấy chị không hề tin tưởng con, khiến con cảm thấy dè chừng. Về lâu dài, hành động này sẽ khiến con tìm cách che giấu giỏi hơn để mẹ không phát hiện ra điểm kém của mình.
  • Chị liên tục dò hỏi con về bài kiểm tra. Việc quan tâm con là đúng, nhưng nếu cứ liên tục dò hỏi con sẽ khiến con e dè, con sẽ không sẵn lòng tâm sự vì sự dò hỏi quá mức.
  • Chị có sự so sánh giữa Nam với con cái giỏi giang của những người bạn. Điều này không hề truyền cảm hứng mà ngược lại còn khiến con trở nên tự ti hơn, không muốn cố gắng vì nghĩ mình là người thua cuộc.
  • Kỳ vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều

  • Chỉ vì Nam đã từng là học sinh giỏi suốt 5 năm liền, nên chị Hoàng kỳ vọng ở Nam rất nhiều. Chị mong muốn con học giỏi, tiếp tục giữ vị trí cao nhất, thậm chí là ngày càng giỏi hơn. Kỳ vọng ở con là đúng, nhưng sự kỳ vọng nên đi cùng với hành động đúng. Chị Hoàng vì mong muốn con lấy lại thành tích, kỳ vọng con sẽ học giỏi trở lại nên tìm mọi cách để thúc ép con học. Chị chưa bao giờ chịu lắng nghe và tâm sự với con. Bởi vì điều đó, chị hoàn toàn không hiểu Nam, không biết con đang gặp vấn đề ở đâu, con đang muốn gì. Từ đó, chị thì trở nên thất vọng vì con vẫn lười học, Nam thì lại xa mẹ hơn vì mẹ không hiểu mình.

 

Kết

Ba mẹ nào cũng mong muốn con học hỏi, chăm chỉ học tập, làm ba mẹ vui lòng. Nhưng hiếm có ba mẹ quan tâm đến việc con đang nghĩ gì, con đang cảm thấy như thế nào, con đang gặp vấn đề ở đâu. Và cực kỳ hiếm ba mẹ chịu nhìn nhận và xem xét những hành động của mình, ba mẹ luôn cho mình là đúng, mọi việc ba mẹ làm đều là tốt cho con. Những điều này đôi khi là nguyên nhân của việc con lười học và khiến khoảng cách giữa con cái và ba mẹ xa hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu ba mẹ cảm thấy con lười học, thay vì trách mắng, hãy đến gần con hơn, lắng nghe và cùng con giải quyết vấn đề. Hãy trở thành một người ba mẹ tâm lý trong hành trình phát triển của con.

 

Nếu ba mẹ quá bận để có thể đồng hành cùng con trên hành trình học tập…

Hãy liên hệ ngay hotline 0906 57 8886 để được eTeacher hỗ trợ tìm Gia sư tài năng cùng con chinh phục đỉnh cao tri thức!