Cần phải làm gì khi bị điểm kém?
Buồn chán và thất vọng vì bị điểm kém là tâm trạng mà bất cứ học sinh – sinh viên nào cũng từng trải qua. Những cảm xúc này có thể làm chúng ta rơi vào tình trạng tinh thần không tốt, gây ra căng thẳng, và đôi khi, thậm chí là những vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn như trầm cảm. Vậy nguyên nhân của chúng là gì, và chúng ta có thể làm gì để vượt qua những cảm xúc chán nản này? Hãy cùng tôi khám phá trong bài viết này, và tìm ra giải pháp để bước qua được tình trạng này.
Nguyên nhân dẫn đến thất vọng vì điểm kém
Nguyên nhân dẫn đến cảm giác thất vọng khi nhận điểm kém là một vấn đề quan trọng cần được thảo luận. Bởi theo nhiều quan điểm thì điểm số được xem như một thước đo quan trọng để đánh giá năng lực của học sinh và sinh viên. Mặc dù không phải lúc nào nó cũng thể hiện đầy đủ khả năng của từng người, nhưng nó vẫn là một cách thể hiện sự cố gắng và nỗ lực của chúng ta. Tuy vậy, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc nhận điểm kém trở nên phổ biến trong chặng đường học tập. Điều này có thể xuất phát từ sự lo âu khi làm bài thi, cách học tập không hiệu quả, sự thiếu kiên nhẫn hoặc sự mất tập trung trong quá trình học. Tuy nhiên, hậu quả của việc bị điểm kém không chỉ dừng lại ở việc ảnh hưởng đến kết quả học tập, mà có nhiều học sinh – sinh viên còn trở nên thất vọng hay buồn bã quá mức, đôi khi còn là sự tự ti, yếu đuối. Một số nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng thất vọng vì điểm kém có thể là như sau:
- Đặt kỳ vọng quá cao về bản thân
Có nhiều bạn học sinh – sinh viên thường đặt ra kỳ vọng quá cao về bản thân. Luôn ép buộc bản thân phải luôn đứng trong top đầu về điểm số trong lớp, và một số bạn còn cảm thấy bản thân như kẻ thua cuộc khi bị “vượt mặt” về điểm số, cảm thấy buồn vì bị người bạn khác vượt qua thành tích của bản thân. Điều này cũng sẽ gây ra nhiều áp lực trong việc thi cử và học tập. Bởi thật ra, việc học cốt yếu lại cũng là để chúng ta hiểu rõ kiến thức và có thể vận dụng vào đời sống, vì thế việc đặt kỳ vọng quá cao hay quá tranh đua với bạn bè trong lớp là việc làm không nên.
Khi nhận kết quả điểm kém thì cảm giác thất vọng về bản thân sẽ hiện hữu mạnh mẽ. Đặc biệt, mức độ thất vọng này càng lớn nếu sự kỳ vọng vào bản thân càng cao. Trên thực tế, những học sinh ít đặt kỳ vọng cho bản thân thường ít phải trải qua những cảm giác thất vọng một cách tiêu cực như vậy.
- Áp lực từ gia đình và nhà trường
Việc luôn bị so sánh với “Con nhà người ta” đôi khi cũng gây ra áp lực nặng nề cho các bạn học sinh.
“Tại sao bé Lan nhà bên học sinh giỏi mà con khi nào cũng học sinh khá thế?”
“Bạn Hoa ngồi cùng bàn được tận 9 mà sao em cứ mãi lẹt đẹt điểm 7 thế nhỉ?”
Những câu nói so sánh một cách tiêu cực như vậy, đã ảnh hưởng không ít tới tâm trạng cũng như cảm xúc của các em học sinh hay sinh viên. Cảm xúc tiêu cực khi bị điểm kém thường trở nên tồi tệ hơn khi có áp lực từ phía gia đình và nhà trường dồn vào. Đa phần các bậc phụ huynh hay giáo viên đều mong muốn con được điểm cao và có thành tích tốt. Vì thế khi chẳng may con em bị điểm kém thì không ít phụ huynh hay cả giáo viên thường tỏ thái độ không hài lòng và la mắng. Điều này sẽ càng khiến các bạn học sinh càng thêm chán nản và tuyệt vọng. Đặc biệt là các lớp chuyên, việc bị điểm kém thường sẽ rất tồi tệ. Đôi khi các bạn học sinh còn bị thầy cô nêu tên phê bình vì chưa cố gắng trong học tập.
- Bị bạn bè trêu chọc
Tác động từ bạn bè cũng có thể góp phần làm gia tăng cảm giác thất vọng khi bị điểm kém. Đặc biệt là trong các tập thể có nhiều người học tốt, việc bạn có kết quả kém trong các kỳ thi có thể dẫn đến trêu chọc hoặc làm trò cười từ bạn bè. Hiện tượng này không chỉ gây buồn bã mà còn có thể đẩy các bạn học sinh – sinh viên vào tình trạng cảm xúc tiêu cực khác, như trầm cảm do cảm thấy bị cô lập.
Vậy Làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua cảm giác thất vọng vì điểm kém?
- Không nên quá khắt khe với bản thân
Việc bị điểm kém chưa bao giờ là dấu chấm hết. Chỉ một điểm số kém không thể đánh giá toàn bộ năng lực và khả năng học tập của bạn. Khi đối mặt với điểm kém, đừng quá khắt khe với bản thân. Hãy nhớ rằng, điểm số từ 5 đến 6 có thể dường như thấp, nhưng chúng thực sự đánh giá ở mức trung bình. Điểm từ 7 đến 8 đánh giá là khá tốt và 9 điểm trở lên là thang điểm giỏi. Do đó, khi bạn nhận được điểm không như mong muốn, hãy tránh tự trách mình quá nhiều và hãy tạo cho mình cơ hội để cải thiện trong kỳ thi tiếp theo. Có nhiều bạn học sinh tự đặt lên mình áp lực không cần thiết khi điểm số thực tế chỉ chênh lệch một chút so với dự kiến, thậm chí chỉ là 0.25 – 0.5 điểm. Khi xếp hạng, thậm chí một sự chênh lệch nhỏ như vậy cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong vị trí. Điều này thường xảy ra do sự áp đặt từ gia đình và giáo viên, khiến cho học sinh đặt quá nhiều tầm quan trọng vào điểm số và tự đặt lên mình áp lực không cần thiết, dẫn đến tình trạng tự trách mình và tự đánh giá thấp bản thân khi không đạt được kết quả như kỳ vọng.
- Đừng che giấu cảm xúc của mình
Khi bị điểm kém, có lẽ bạn đang rất buồn. Tôi biết rất khó để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực như bi quan, buồn chán, thất vọng và căng thẳng khi bị điểm kém. Tuy nhiên, thay vì các bạn cứ mãi che giấu cảm xúc hay dồn nén và gò bó cảm xúc thì bạn nên bộc lộ chúng ra. Điều này sẽ giúp cho bạn được thoải mái hơn, giảm thiểu sự căng thẳng thần kinh. Bởi theo các chuyên gia, việc kìm nén và gò bó cảm xúc kéo dài có thể gây ra sự đau khổ và stress. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý khác như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn tâm thần tuổi học đường…
- Thực hiện các biện pháp thư giãn
Một cách hữu ích để vượt qua cảm xúc thất vọng khi bị điểm kém là thực hiện các biện pháp thư giãn. Các hoạt động thư giãn có thể giúp bạn tạm quên điều mà bạn cảm thấy không hài lòng về kết quả học tập của mình. Điều này sẽgiúp bạn lấy lại tinh thần và trở nên có động lực học tập hơn trong những kỳ thi tiếp theo. Các biện pháp thư giãn rất hữu ích mà các bạn học sinh – sinh viên nên áp dụng để giải tỏa cảm xúc tiêu cực vì điểm kém bao gồm:
- Hoạt động thể chất:
Hoạt động thể chất là liều thuốc tự nhiên hữu hiệu giúp não bộ được thư giãn và quên đi những điều tiêu cực. Bởi khi tập thể dục sẽ thúc đẩy sản xuất hormone endorphin tạo cảm giác vui vẻ, thư giãn và lạc quan. Chỉ cần dành ra khoảng 30 phút cho việc tập thể dục, các bạn sẽ cảm thấy cảm xúc bi quan, thất vọng giảm đi đáng kể.
- Gặp gỡ bạn bè:
Đây là một biện pháp thư giãn rất hiệu quả mà tôi thường hay áp dụng. Khi trò chuyện và gặp gỡ những người bạn thân sẽ giúp chúng ta vui vẻ và tích cực hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể chủ động chia sẻ với bạn bè về những vấn đề của mình và biết đâu họ sẽ cho bạn thêm nhiều động lực cũng như giúp trở nên tích cực nhiều hơn. Sự đồng cảm và thấu hiểu cũng là động lực cổ vũ bạn vượt qua cảm giác buồn chán và bi quan.
- Thực hiện các hoạt động yêu thích:
Bạn nên dành nhiều thời gian thư giãn và thực hiện các hoạt động yêu thích mỗi khi bị điểm kém. Có thể là làm việc nhà, vẽ tranh, nghe nhạc, đọc sách, xem phim hay thậm chí có thể là “đi tắm”. Các hoạt động này sẽ phần nào giúp các bạn quên đi cảm giác buồn chán. Đồng thời thúc đẩy tìm lại niềm vui cũng như sự hứng khởi trong quá trình học tập.
- Chơi đùa cùng thú cưng:
Đây cũng là một giải pháp cực kì hiệu quả giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực khi bị điểm kém.Khoảng thời gian chơi đùa cùng thú cưng sẽ giúp bạn quên đi tâm trạng thất vọng và buồn chán. Các chuyên gia cũng cho biết, chơi đùa cùng thú cưng có thể thúc đẩy não bộ tăng sản xuất hormone endorphin tạo cảm giác vui vẻ và suy nghĩ tích cực. Ngoài ra còn làm giảm các hormone gây căng thẳng, stress như cortisol, adrenaline, epinephrine,…
- Tìm kiếm và khắc phục sự thiếu sót của bản thân
Khi tâm trạng đã ổn định trở lại, thì đã đến lúc bạn nên bắt tay vào việc khắc phục điểm số trong những kỳ thi tiếp theo. Trước hết, hãy bắt đầu bằng việc xác định các sai lầm thường gặp mà bạn đã mắc phải để có cách khắc phục phù hợp. Những sai lầm có thể bao gồm như là việc làm bài chưa cẩn thận, đọc không kỹ đề bài, làm lạc đề…. Ngoài ra, căng thẳng và lo lắng khi làm bài thi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến điểm kém.
Sau khi bản thân đã xác định được các sai lầm thường gặp, bạn cần tập trung vào việc cải thiện chúng để có thể nâng cao điểm số trong các bài kiểm tra tới. Khi bạn sai những lỗi không đáng trong bài thi, hãy rèn luyện tính cẩn thận và tỉ mỉ hơn bằng việc giải nhiều đề cũng như hãy kiểm tra lại kĩ hơn trước khi nộp bài. Việc tìm kiếm và khắc phục lỗi vừa giúp bạn có thể rút ra kinh nghiệm và không bị mắc sai lầm ở những bài thi quan trọng khác trong tương lai.
- Học nhóm để cải thiện kiến thức
Học nhóm cũng là một cách cực kỳ hữu ích khác. “Học thầy không tày học bạn”, việc tổ chức các buổi học nhóm không chỉ giúp chúng ta có cơ hội được học hỏi và cùng nhau có những kết quả học tập tốt hơn trong tương lai mà còn là cơ hội để tạo ra nhiều kỉ niệm đẹp với những người bạn. Các bạn có thể cùng nhau luyện đề chung và khi sửa đề, có thể hỗ trợ nhau ở những điểm chưa tốt và từ đó sẽ khắc phục được điểm số trong những kì thi tiếp theo.
- Thay đổi thói quen học tập
Thói quen học tập chính xác là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới điểm số. Hãy thiết lập và duy trì những thói quen tốt để cải thiện kết quả học tập. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:
- Ôn lại kiến thức cũ và đọc trước bài mới trước khi đến lớp là một thói quen tốt giúp bạn củng cố kiến thức đã học và tiếp thu kiến thức mới một cách hiệu quả. Sự chủ động trong quá trình học tập giúp não bộ tập trung và ngăn ngừa tình trạng học mà sau đó quên mất kiến thức đã học. Điều này làm cho quá trình học trở nên hiệu quả hơn và giúp bạn duy trì một nền tảng vững chắc cho việc cải thiện điểm số trong tương lai.
- Khi học các môn có công thức, nên làm thật nhiều bài tập và áp dụng công thức đó để nhớ kỹ hơn công thức. Tránh tình trạng học thuộc vẹt và đến lúc đọc đề bài thì bản thân lại không hiểu bản chất và “không thể áp dụng được”.
- Với những bài có nội dung nhiều và phức tạp thì bạn nên hệ thống lại để nắm vững kiến thức cơ bản. Sau đó mới khai thác kiến thức phụ để tránh tình trạng nhầm lẫn khi làm bài. Bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy để có thể nhớ kĩ hơn về các kiến thức
- Đừng bỏ qua cơ hội được cộng điểm
Đa số các thầy cô đều thích những bạn học sinh – sinh viên tích cực tham gia phát biểu và đóng góp ý kiến trong tiết học. Chính vì điều này cũng sẽ giúp bạn kiếm được cơ hội “gỡ điểm”. Vì thế, khi đã nhận phải một con điểm kém. Hãy học bài cũ cũng như chuẩn bị, tìm hiểu về bài mới thật tốt trước khi đến lớp để có thể trả lời bài và phát biểu tích cực. Điều này có thể sẽ giúp bạn có thêm nhiều điểm cộng để từ đó có thể cải thiện được con điểm “chưa đẹp” của bản thân mình.
KẾT
Thất vọng vì điểm kém là một trạng thái cảm xúc mà có lẽ trong thời đi học, ai trong chúng ta cũng từng trải qua. Hi vọng rằng những giải pháp và lời khuyên trong bài viết này của tôi đã có thể giúp các học sinh và sinh viên vượt qua cảm xúc tiêu cực này và tiến bước mạnh mẽ hơn trong quá trình học tập. Hãy luôn tự tin, cố gắng, và không ngừng phấn đấu để đạt được kết quả và thành tích tốt hơn. Bởi việc học là việc cả đời, vì thế một con điểm chưa tốt chắc chắn sẽ không thể đánh giá bạn là người thành công hay thất bại. Vì thế hãy cố gắng cải thiện bản thân qua những phương pháp trên thay vì cứ mãi ủ rủ, buồn bã vì một con điểm xấu bạn nhé!