Có nên áp dụng hình phạt lên con trẻ?

Tuổi thơ là khoảng thời gian quý báu đánh dấu sự khám phá, học hỏi và phát triển của mỗi người. Tuy nhiên, trong quá trình được nuôi dạy và lớn lên này, chắc hẳn hình phạt thường là một phần không thể thiếu đối với mỗi người. Cha mẹ thường dạy con thơ, răn dạy con khi con phạm phải lỗi lầm bằng cách phạt như câu tục ngữ mà ông cha ta đã để lại cho con cháu đó là “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để hướng dẫn và định hình hành vi của con trẻ. Bản thân tôi trong suốt thời thơ ấu của mình cũng không ít lần “ăn no” đòn roi của cho mẹ. Tuy nhiên, liệu hình phạt có nên? Và cần phải phạt con sao cho “đúng”. Dù là một phần không thể tránh khỏi, nhưng cách mà hình phạt được áp dụng và tác động tới tâm hồn con người có thể gây ra những sự khác biệt rất to lớn.

Hình phạt là một công cụ có thể giúp con trẻ hiểu rõ hơn về hành vi chưa đúng cũng như không phù hợp của bản thân trẻ và có thể giúp trẻ học cách điều chỉnh cách cư xử. Tuy nhiên, quan điểm về việc áp dụng hình phạt cần linh hoạt hơn dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả quan điểm về việc nuôi dạy và giáo dục. Một số người cho rằng hình phạt có thể tạo ra áp lực tâm lý và gây ra tác động tiêu cực đến tinh thần của con trẻ. Trong khi đó, một vài bậc phụ huynh khác lại cho rằng hình phạt đúng cách có thể giúp con trẻ phát triển sự trách nhiệm cũng như nhận biết ra được hành vi chưa đúng đắn của trẻ nhỏ. Vậy, làm thế nào để nuôi dạy con cho đúng và không làm tổn hại tới sức khỏe tinh thần của trẻ con?

Các bậc làm cha, làm mẹ chắc hẳn cũng đã luôn băn khoăn, bối rối với việc liệu phải làm thế nào để răn dạy con một cách “hợp tình, hợp lý” nhất. Thông thường, khi trẻ con làm sai phạm như làm ly thủy tinh bể, đổ nước ra sàn nhà hay hất đổ đồ ăn, thì hình phạt phổ biến nhất mà tôi thường thấy có lẽ là bắt trẻ nhỏ úp mặt vào tường. Không những thế, nhiều gia đình, cha mẹ còn áp dụng biện pháp như cấm đi chơi, cấm sử dụng máy tính/điện thoại… Nhiều gia đình thì dùng biện pháp mạnh hơn như đánh đòn, hoặc mắng chửi con.

Còn khi ở môi trường học đường, các hình thức kỷ luật được ngành giáo dục cho phép là nhắc nhở, khiển trách, thông báo với gia đình, tạm dừng học tập có thời hạn… tùy theo mức độ vi phạm. Một số thầy cô cũng tự sử dụng các hình thức phạt riêng khác như viết bản kiểm điểm, chép phạt bài nhiều lần, dọn vệ sinh cho lớp học, quét lá sân trường hay chạy quanh sân…

 Cả ở nhà và ở trường, các hình phạt đều rất “muôn hình vạn trạng”, các mức độ từ nhẹ nhàng cho đến kinh hoàng. Nhưng đâu mới là hình phạt đúng, có tác dụng giáo dục và đồng thời cũng không để lại những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn đứa trẻ, không làm ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển sau này cũng như không gây ra các nhầm lẫn hay những nỗi sợ hại không đáng có trong nhận thức của con trẻ?

Nếu như việc trẻ nhọ khi phạm phải lỗi lầm nào đó, thì cha mẹ bắt con phải làm việc nhà, vậy việc làm việc nhà đó có còn là trách nhiệm chung của mỗi thành viên trong gia đình nữa không hay đó thực sự là “một hình phạt” chỉ khi nào con phạm lỗi thì mới phải làm? Hay khi học sinh phạm lỗi như chưa làm bài tập, nói chuyện riêng trong giờ học thì thầy cô sẽ phạt đọc sách, vậy đọc sách vốn có phải là một biểu hiện tốt hay là một hành động gây sợ hãi và bắt buộc phải làm? Phạt học sinh bằng cách đình chỉ học tập? Liệu có vô tình đẩy các em vào đường cùng?

Qua những quan sát cũng như những kinh nghiệm về những lần chứng kiến qua những năm đi học, tôi thấy những bạn học sinh hay sinh viên bị phạt bằng biện pháp kỷ luật liên quan đến việc tạm thời loại học sinh ra khỏi các lớp học hoặc hoạt động mà trường đã phê duyệt trong một khoảng thời gian nhất định hay còn gọi theo cách khác đó là đuổi học có thời hạn, đa số đều bỏ học sau đó. Cũng chính vì thế mà tôi thấy, tác dụng giáo dục của hình thức kỷ luật này chưa hiệu quả, tương đối thấp vì tôi nghĩ nhà trường đơn thuần chỉ là đang đẩy trách nhiệm giáo dục của mình sang gia đình và xã hội.

Một câu hỏi mà chắc hẳn kể cả bậc cha mẹ lẫn thầy cô đều luôn băn khoăn, bối rối và đau đầu để tìm ra câu trả lời đó là “Phạt con trẻ thế nào mới đúng, mới hiệu quả và mang tính giáo dục cao”. Để tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này, trước hết tôi nghĩ cha mẹ và thầy cô cần làm rõ mục đích của trừng phạt. Trước khi áp dụng hình phạt nào, theo tôi mỗi người làm cha, làm mẹ hay cả những người thầy, người cô cần phải hiểu rõ mục tiêu thực sự muốn đạt được. Hình phạt nên được thiết lập để hỗ trợ con em trong việc học hỏi và phát triển, chứ không phải để gây tổn thương nặng nề lên tinh thần của trẻ thơ.

Suy ngẫm một chút, có lẽ chúng ta sẽ thấy, mọi hình phạt mà cha mẹ hay thầy cô đều chỉ là muốn hướng mục đích là giúp con trẻ hiểu được cái sai của mình cũng như rút kinh nghiệm để không mắc phải sai phạm như vậy vào những lần sau.

 Thật ra, theo tôi, có hai cách chính để có thể làm cho trẻ hiểu được cái sai của bản thân. Thứ nhất đó là phân tích, giải thích cho trẻ hiểu hành động đó là chưa đúng đắn và cần thay đổi, cha mẹ có thể ngồi cạnh và nhẹ nhàng nói rõ cho con hiểu về những lỗi sai của trẻ và yêu cầu trẻ nếu có làm thì phải chịu trách nhiệm với việc làm đó của bản thân. Việc cha mẹ, thầy cô tạo ra môi trường tương tác tốt giữa người lớn và con trẻ là quan trọng. Trước khi áp dụng hình phạt, hãy tìm cách trò chuyện với con trẻ về hành vi của họ và lý do tại sao hành vi đó không phù hợp. Và cha mẹ cũng như thầy cô có thể áp dụng cách phạt băng việc cho trẻ thấy điểm sai và trẻ cần làm gì để sửa sai lỗi đó. Chẳng hạn như khi một đứa trẻ nghịch ngợm quá đà làm đổ thau nước bẩn ra sàn nhà vừa mới được lau dọn sạch sẽ thì cha mẹ có thể yêu cầu con em mình tự lau tự dọn chỗ nước đổ đó. Dĩ nhiên phụ huynh cũng sẽ để con em lau dọn một lúc rồi sau đó giúp con lau dọn lại sạch sẽ, lúc đó cha mẹ vừa có thể giúp con ý thức được điều con cố ý hay kể cả vô ý gây ra, thì con cũng phải tự chịu trách nhiệm và ý thức, chứ không ai làm thay. Hay là trường hợp trẻ em đã lớn hơn chút, khi tới giờ ăn là không muốn xuống ăn mà chỉ chơi game trong phòng thì cha mẹ có thể “cắt” luôn phần ăn của trẻ như ngầm cho trẻ biết không ai có thời gian để dọn dẹp nhiều lần cũng như đó là kỷ luật chung khi, khi đó, khi con đói bụng thì tự lần sau con sẽ ăn đúng bữa và trẻ cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến sự kỷ luật của tập thể sau này. Bên cạnh đó, còn có một cách khác nữa như là tạo điều kiện để trẻ tự suy nghĩ, tự tìm ra lỗi sai của mình. Cha mẹ cần tìm ra được cách nuôi dạy cũng như “phạt” con trẻ một cách tinh tế hơn thay vì phạt bằng cách chiếm đoạt niềm vui hoặc gây ra nỗi đau cho trẻ nhỏ.

Mặt khác, để cho trẻ biết điều sai mà tránh làm, thì điểm mấu chốt là cha mẹ hay thầy cô nên thống nhất với con trẻ các quy tắc chung cần tuân thủ và khi con trẻ phạm phải sai lầm sẽ phải gánh chịu các mức phạt tương ứng. Sự thống nhất này cần được thực hiện thông qua việc cha mẹ, thầy cô trao đổi và thảo luận với con để đi đến sự đồng thuận. Theo tôi, khi đó trẻ sẽ hiểu rằng khi trẻ bị phạt là tại vì việc trẻ làm chưa hợp lý, chưa đúng đắn và từ đó trẻ sẽ tự học được cách thay đổi để hoàn thiện bản thân hơn.

Nhưng số tình huống mà trẻ có thể phạm lỗi sẽ vô cùng nhiều. Vậy làm sao có thể biết để thảo luận trước? Điều này theo tôi cũng giống như với người lớn, làm sao có thể hiểu và nhớ hết một loạt những quy định hay luật pháp để không phạm một chút lỗi lầm nào?

Cách tốt nhất theo tôi nghĩ là cha mẹ cũng như thầy cô nên dạy trẻ các nguyên tắc ứng xử cơ bản, như trung thực, không gây gổ hay đánh nhau với bạn, không sử dụng đồ của người khác mà chưa hỏi ý kiến của họ,… thay vì một danh mục chi tiết các “tội lỗi và hình phạt”.

Việc xây dựng quy tắc ứng xử là rất quan trọng trong việc hướng dẫn con trẻ phát triển tư duy và cách cư xử. Tuy nhiên, để bộ quy tắc này thực sự có ảnh hưởng tích cực cũng như có thể tồn tại lâu dài, bộ quy tắc này nên dựa trên một bộ giá trị sống vững chắc. Thay vì áp đặt các giá trị sẵn có, tôi nghĩ cha mẹ và thầy cô có thể khuyến khích và hỗ trợ con trẻ xây dựng bộ giá trị riêng của chúng. Lựa chọn giá trị phổ quát và có sức sống dài hạn sẽ giúp con trẻ phát triển một hệ thống tư duy linh hoạt và có khả năng định hướng hành vi trong nhiều tình huống. Những giá trị này không chỉ giúp con trẻ trong quá trình phát triển mà còn giúp họ thấu hiểu về sự tương quan giữa hành vi sai trái và hậu quả mà chúng phải chịu trách nhiệm. Một trong những bộ giá trị mà tôi nghĩ cha mẹ và thầy cô có thể sử dụng làm khung tham chiếu là bốn giá trị phổ quát: Chân – Thiện – Mỹ – Hòa.

Nhưng nhiều người lớn không hiểu rõ điều này, và cũng không thấy rõ các lựa chọn trong việc phạt trẻ, nên đã làm cho trẻ tổn thương. Đó có thể là nỗi đau thể xác thông qua đòn roi, hoặc nỗi đau tinh thần thông qua việc mắng nhiếc, đay nghiến, phân biệt hay kỳ thị. Theo tôi, đây là cách giáo dục và răn dạy trẻ kém hiệu quả nhất và để lại tổn thương nặng nề nhất và hậu quả của việc này đôi khi sẽ gây “ám ảnh” tâm lý kéo dài đến hết cuộc đời của trẻ thơ. Ngày nay hình thức giáo dục con bằng đòn roi có thể trở thành hình thức bạo lực và tra tấn con vì hậu quả của đòn roi để lại quá nặng nề. Không những cha mẹ dùng đòn roi mà có thể dùng bất cứ thứ gì có trong tay để có thể giáo dục với con cái. Theo quan điểm của tôi, cha mẹ cũng như thầy cô thực sự không nên làm vậy với con trẻ. Vì dạy con bằng đòn roi sẽ để lại rất nhiều hậu quả về thể xác là hiển nhiên và không những thế, những đòi roi ấy sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý của trẻ con, ảnh hưởng tới đời sống tình cảm cũng như sức khỏe và hành vi sau này của con.

Bên cạnh việc trừng phạt, một điều cũng hết sức quan trọng, mà theo tôi là rất cần thiết đó chính là trao cơ hội cho trẻ con được sửa chữa lỗi lầm của chính mình. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, ghi nhận và khen con thưởng khi con khi con đã nhận ra lỗi sai và khắc phục sẽ mang lại kết quả tốt và thật sự bền vững cho con.

Bên cạnh việc phạt khi trẻ phạm sai lầm, thì tôi thấy một vài người lớn ngày nay thường khá “tiết kiệm” lời khen hay khích lệ đối với con trẻ. Theo tôi nghĩ với trẻ, chúng thực sự luôn cần sự ghi nhận và khen thưởng. Cha mẹ và thầy cô đôi khi không giành nhiều lời khen cho con em nhưng lại lạm dụng sự răn dạy cũng như các biện pháp phạt ở một mức độ khá nhiều, đến mức có rất nhiều người cho đến khi đã trưởng thành, dù cho có đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn chưa từng được nhận bất kì lời khen ngợi nào từ cha mẹ.

Việc trao quyền và trao cơ hội để trẻ tự chủ, từng bước hình thành nhận thức về phải, trái, đúng, sai, tốt, xấu… và có cách điều chỉnh hành vi hợp lý là luôn đúng đắn và cần thiết. Trên hành trình trưởng thành của trẻ, việc mắc sai lầm, và phạm lỗi là chuyện đương nhiên. Điều quan trọng là cần thiết kế một môi trường phù hợp để trẻ được sai lầm, trong tầm kiểm soát, và giúp trẻ học được những bài học từ các sai lầm đó.

Quay trở lại với câu hỏi làm sao để phạt trẻ cho đúng đắn, theo tôi thì bậc làm cha mẹ và thầy cô nên phạt bằng cách yêu cầu trẻ tự nhìn nhận lại về hành vi sai trái của mình, và phải trả giá bằng việc tự sửa đổi lỗi sai cũng như cần đánh đổi niềm vui trong một khoảng thời gian nhất định, là cách làm hiệu quả hơn so với việc mắng nhiếc con trẻ hoặc dùng đòn roi để răn dạy.