Tại sao việc sử dụng phương pháp dạy con bằng đòn roi khiến con trở nên mất hứng thú và lười học? Tìm hiểu cách giáo dục tích cực để trẻ phát triển tốt nhất!

Nhiều ba mẹ cho rằng khi con còn nhỏ, việc dạy con bằng đòn roi là phương pháp hiệu quả nhất để con nghe lời ba mẹ, chăm chỉ học hành. Những quan niệm xưa như “thương cho roi cho vọt” lại càng khiến ba mẹ nghĩ rằng việc dạy con bằng đòn roi là điều đúng đắn. Tuy nhiên, điều này không hề có kết quả tốt, đặc biệt trong việc học của con, đòn roi sẽ khiến con mất hứng thú và trở nên lười học. Hãy cùng eTeacher.vn tìm hiểu tại sao dạy con bằng đòn roi khiến con ngày càng lười học qua bài viết sau đây nhé!

  • Gây ra sự sợ hãi và căng thẳng

Nhiều ba mẹ thường có thói quen đe doạ, thậm chí là sử dụng đòn roi với con khi con không chịu học, lười học. Ba mẹ cho rằng đây là cách tốt nhất và hiệu quả nhất có thể khiến con chịu ngồi vào bàn học ngay. Nhiều ba mẹ còn chửi mắng con, đánh con khi dạy mãi mà con không hiểu bài. Không ít những đứa trẻ đã từng rơi nước mắt trên bàn học. Vậy phương pháp dạy con bằng đòn roi này có khiến con yêu thích học hơn và không còn lười học nữa không?

Khi ba mẹ liên tục tác động bạo lực lên con mỗi khi yêu cầu con học, con sẽ cảm thấy sợ hãi và căng thẳng tột độ. Điều này khiến con cũng trở nên ác cảm với việc học. Con sẽ nghĩ rằng việc học là thứ khiến con cảm thấy sợ hãi và mệt mỏi. Sự sợ hãi này có thể khiến giảm hiệu quả học tập của con. Từ đó, con sẽ nảy sinh tâm lý lười học, chán ghét việc học.

  • Giảm sự tự tin của con

Đối với học sinh cấp tiểu học, khi các con vừa mới làm quen với việc học, việc lười học là không thể nào tránh khỏi. Bởi khi học mẫu giáo, các con được tự do vui chơi cùng bạn bè trong giờ học, nhưng đến khi học tiểu học, các con phải ngồi vào bàn hàng giờ liền với tập vở. Điều này khiến các con mệt mỏi và nảy sinh tâm lý lười học.

Việc ba mẹ thường xuyên sử dụng đòn roi để thúc ép con học, hay sử dụng bạo lực với con khi con làm bài sai là cách khiến con ngày càng lười học hơn và sự tự tin của con bị giảm sút nghiêm trọng. Các con sẽ sợ sai, sợ mắc lỗi vì mỗi khi sai lại bị ba mẹ cho “ăn đòn roi” ngay lập tức. Điều này sẽ gây ra 2 hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất, con sẽ tự ti hơn, không dám nêu ra quan điểm hay ý kiến của bản thân, ảnh hưởng đến khả năng tư duy trong học tập của con. Thứ hai, con sẽ né tránh việc học, lười học vì mỗi khi học đều bị ba mẹ la mắng, sử dụng đòn roi với con.

  • Hình thành suy nghĩ tiêu cực về việc học

Khi con liên tục bị ba mẹ dạy dỗ bằng đòn roi, con sẽ cảm thấy việc học là cơn ác mộng. Con sẽ không thấy được giá trị của việc học vì con bị ép phải học. Con sẽ không thấy hứng thú khi học bởi mỗi khi làm bài sai con lại bị la mắng. Con cũng sẽ né tránh, hạn chế nhắc đến hay tiếp xúc với việc học vì áp lực, sự sợ hãi đòn roi của ba mẹ. Việc học đối với con không có ý nghĩa nào ngoài việc ám ảnh đòn roi của ba mẹ.

 

Việc không nhìn nhận được giá trị thực sự của việc học sẽ khiến con ngày càng lười học hơn. Con sẽ không biết tại sao mình phải học, học để làm gì. Từ đó, con sẽ liên tục tránh né việc học. Việc ba mẹ dạy con bằng đòn roi sẽ trở thành vết thương tâm lý, nỗi ám ảnh khi con nhớ đến việc học. Chính vì thế, nếu ba mẹ đã, đang hoặc sẽ dùng phương pháp dạy con bằng đòn roi, hãy dừng lại ngay nếu không muốn con ngày càng lười học.

Kết

Việc dạy con bằng đòn roi đã xuất hiện từ xưa đến nay. Sở dĩ ba mẹ sử dụng đòn roi với con là vì trước đây ba mẹ cũng đã từng được dạy như thế. Tuy nhiên, khi thời đại ngày càng phát triển, con được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại hơn thì phương pháp này không còn phù hợp nữa. Việc dạy con bằng đòn roi không những không mang lại kết quả tốt mà còn khiến con trở nên sợ hãi và căng thẳng mỗi khi nhắc đến việc học. Con sẽ không hiểu giá trị thực sự của việc học vì ám ảnh đòn roi cứ đeo bám con. Và sự tự tin của con sẽ ngày càng sụt giảm khi liên tục bị ba mẹ “dạy dỗ” mỗi khi mắc lỗi. 

 

Qua bài viết trên, eTeacher.vn hy vọng ba mẹ sẽ có góc nhìn mới về vấn đề dạy con bằng đòn roi. eTeacher.vn cũng mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho ba mẹ trong quá trình dạy con, giúp con vượt qua chứng lười học.