Hạnh Phúc Của Việc Học
Hạnh phúc trong việc học tập luôn là một chủ đề khiến tôi cảm thấy phấn khích và đầy cảm xúc khi nhắc tới. Lê-nin đã từng nói “Học, học nữa, học mãi”, vì kiến thức là chìa khóa dẫn con người tới sự thành công cũng như niềm hạnh phúc. Hình ảnh của một người ngồi trong một góc tĩnh lặng, đọc một cuốn sách hoặc nghiên cứu một đề tài nào đó luôn xuất hiện thật đẹp trong tâm trí tôi. Bởi vì đó là quá trình của sự tiến bộ và thăng tiến thông qua việc học hỏi và nỗ lực. Thật vậy, hạnh phúc của việc học không chỉ đơn thuần là việc nắm vững kiến thức mà nó còn liên quan đến sự phấn đấu, sự hiểu biết sâu rộng, và sự thăng tiến trong cuộc sống.
Khi tôi nghĩ đến niềm hạnh phúc trong việc học, hình ảnh của những kỷ niệm thơ ấu dường như lấp đầy tâm trí tôi. Những ngày đi học đầu tiên của tôi thường đi kèm với nhiều giọt nước mắt và sự căng thẳng. Tôi không thể nào quên được hình ảnh ba đứng bên cạnh, chỉ dẫn cho tôi từng li từng tí về những điều cơ bản, từ việc đếm số cho đến việc viết chữ. Dù lúc đó, tôi thường cảm thấy khó khăn, mệt mỏi cũng như lo sợ việc học, nhưng đó cũng chính là thời điểm mà tôi bắt đầu nhận ra niềm vui trong việc học hỏi, khi mình biết được một điều gì đó mới trong cuộc sống. Mỗi ngày khi học thêm một kiến thức gì mới, tôi cảm thấy bản thân như “trưởng thành” và lớn lên một chút. Điều đó có lẽ thúc đẩy tôi cảm thấy yêu thích hơn về sự học.
Học tập liệu có là một nghĩa vụ?
Tôi đã từng nghĩ rằng học là một trách nhiệm không thể né tránh, một việc phải làm. Khi còn nhỏ, tôi là một đứa trẻ rất lười học và tôi sợ cảm giác phải ngồi vào bàn học cũng như sợ phải tới tiết học trên lớp. Tôi nhớ rất rõ cảm giác sợ học như thế nào. Đó là một cảm xúc áp lực và lo lắng không thể tránh khỏi khiến tôi cảm thấy bất ổn và mất tự tin. Tôi đã từng là một đứa trẻ luôn né tránh ánh mắt của thầy cô giáo, tôi luôn sợ hãi mỗi khi “bị” giáo viên tra khảo bài hay thậm chí chỉ đơn giản là mời tôi phát biểu bài. Khoảng thời gian đó, học hành không phải là một cuộc phiêu lưu thú vị, mà thay vào đó, nó trở thành một trọng trách khó khăn, một nhiệm vụ căng thẳng mà tôi phải đối mặt.
Tại sao tôi đã từng sợ hãi việc học tới như vậy?
Tôi sợ học bởi vì có một số lý do. Thứ nhất, áp lực từ phía gia đình và xã hội thường khiến tôi cảm thấy phải thành công trong việc học hành. Cuộc đời của tôi luôn đầy những áp lực về việc có được điểm số cao hay thành tích luôn phải đứng “top” đầu của lớp. Điều này làm cho việc học trở thành một gánh nặng đè nặng lên tâm hồn tôi.
Thứ hai, tôi sợ học vì tôi không phải là một người luôn luôn đạt được thành tích cao trong mọi môn học. Điều này khiến tôi không cảm thấy tự tin và đôi khi tôi nghĩ nguyên do đến từ việc so sánh bản thân với những người bạn bè xung quanh. Tôi lo bản thân sẽ không đạt được điểm “cao” so với bạn bè, và điều này khiến tôi cảm thấy tự ti hơn và mất đi sự hứng thú thay vào đó là sự ganh đua thi đấu chỉ vì điểm số.
Vậy chúng ta cần phải làm gì để yêu thích việc học hơn?
Để yêu thích việc học hơn, tôi đã trải qua một hành trình tìm hiểu và luôn cố gắng thấu hiểu bản thân.
Đầu tiên, tôi đã tìm hiểu về những lĩnh vực cũng như chủ đề mà bản thân thực sự quan tâm và yêu thích. Việc học về điều bạn đam mê sẽ làm cho quá trình học trở nên thú vị hơn. Thời đi học tôi luôn có một niềm ưa thích đặc biệt đối với các môn học thiên về tính logic như Toán học, Vật lý vì thế tôi đã dành nhiều thời gian hơn đối với các môn học này.
Một môi trường có thể ảnh hưởng lớn đến tinh thần học tập của bản thân. Vì thế bản thân tôi đã tạo ra cho bản thân một không gian học thoải mái, cũng như tránh những yếu tố gây xao nhãng. Cố gắng tạo ra không gian học tập phù hợp với sở thích và phong cách của bản thân khiến bạn luôn muốn ngồi vào bàn học và có niềm đam mê lớn hơn với việc học đó.
Việc lên một kế hoạch học tập cụ thể cũng đã giúp bản thân tôi tự quản lý thời gian và tăng hiệu suất học. Tôi thường sử dụng lịch để xác định thời gian cho việc học, giảm thiểu sự xao nhãng và tập trung vào nhiệm vụ cụ thể trong mỗi buổi học. Có một phương pháp tôi rất ưa thích trong việc làm bài của bản thân đó chính là phương pháp học Pomodoro – được phát minh bởi một CEO người Ý. Phương pháp học ngắt quãng Pomodoro là một cách hiệu quả để học tập và nghỉ ngơi một cách khoa học. Theo phương pháp này, tôi sẽ tập trung học trong 25 phút và sau đó nghỉ ngơi trong 5 phút trước khi tiếp tục. Bên cạnh đó, còn có một phương pháp khác mà tôi rất hay áp dụng đó là “trao giải” cho bản thân khi đã hoàn thành tốt bài tập. Sau khi hoàn thành một bài toán khó, tôi sẽ khen thưởng cho chính mình bằng cách cho phép bản thân làm những điều thú vị chẳng hạn như chơi game yêu thích trong 30 phút, ăn món yêu thích hoặc dành thời gian cho một hoạt động yêu thích nào đó. Không chỉ thế, bản thân tôi cũng sử dụng nhiều phương pháp học tập khác nhau như xem video, nghe podcast, hay tham gia vào các nhóm thảo luận trực tuyến. Điều này giúp tôi có một trải nghiệm học thú vị và đa dạng hơn.
Học tập không chỉ là một nghĩa vụ, mà nên trở thành một thói quen vững vàng trong cuộc sống của chúng ta. Bản thân tôi đã hiểu được giá trị của việc thiết lập một lịch trình học tập đều đặn và tuân thủ nó. Điều này không chỉ giúp tôi nắm vững kiến thức mà còn tạo ra một cơ cấu vững chắc cho sự phát triển cá nhân của mình. Học tập đều đặn giúp tôi xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc. Thay vì tập trung vào việc học cận kề kỳ thi hay bài kiểm tra cụ thể, tôi tập trung vào việc học một cách liên tục và liên kết kiến thức. Điều này giúp tôi có sự hiểu biết rộng hơn và khả năng áp dụng kiến thức vào nhiều tình huống khác nhau.
Học giúp mở rộng tầm nhìn và cách suy nghĩ
Mọi thứ đã thay đổi khi tôi bắt đầu nhìn vào việc học từ một góc độ khác. Tôi nhận ra rằng học không chỉ đơn thuần là việc đọc sách và thuộc bài học, mà nó còn là cơ hội để khám phá thế giới xung quanh và phát triển bản thân. Học là để mở những cánh cửa tri thức, để ta có thể đến với những chân trời hiểu biết. Bởi “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, câu nói này không chỉ nói về khát vọng của cái tôi cá nhân thích trải nghiệm, mà đặc biệt nhấn mạnh sự chú tâm và siêng năng, không ngừng học hỏi với một tinh thần cầu thị tiến bộ, hoàn thiện bản thân. Vì thế, mỗi kiến thức mới tôi thu thập được hằng ngày, mỗi kỹ năng mới tôi học được hằng ngày luôn là một bước tiến nhỏ trong hành trình phát triển bản thân tôi. Theo tôi nghĩ, cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình không ngừng nghỉ và việc học hỏi là nguồn cảm hứng chính để tham gia vào cuộc hành trình này. Học hỏi không chỉ giúp chúng ta nắm vững kiến thức mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và cách suy nghĩ của chúng ta. Nó cho phép chúng ta nhìn thấy thế giới từ nhiều góc độ khác nhau và cũng như là hiểu rõ hơn về người khác. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành trong cuộc sống. Theo quan điểm của tôi, hạnh phúc của việc học không chỉ nằm ở việc giành được điểm cao hay phải được công nhận bởi người khác. Đó chỉ đơn giản là niềm vui khi tôi có thể tìm hiểu về những lĩnh vực mới, hiểu rõ thêm về cách thức hoạt động của thế giới. Mỗi khi tôi khám phá một sự thật mới, một khía cạnh mới của cuộc sống, tôi cảm thấy tâm hồn mình được bổ sung thêm một phần đẹp đẽ. Hạnh phúc của việc học còn nằm ở sự thách thức. Tôi thường xuyên đặt ra những mục tiêu mới, những thách thức mới để vượt qua trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Tuy rằng, mỗi khóa học mới, mỗi đề tài khó khăn chúng ta tận tâm nghiên cứu, đều mang theo một loạt thách thức. Nhưng sự thỏa mãn không nằm ở việc dễ dàng vượt qua chúng mà nó đến từ việc chúng ta dùng khả năng của bản thân để luôn cố gắng, đối mặt với chúng và vượt qua chúng. Mỗi khi tôi vượt qua một thử thách, tôi cảm thấy hạnh phúc không thể tả bằng lời và tôi cảm thấy tự hào về bản thân mình hơn bao giờ hết.
Hạnh phúc đến từ việc giảng lại cho người khác
Theo tôi nghĩ, hạnh phúc của việc học còn đến từ việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình với người khác. Tôi đã cảm nhận được điều này rất rõ khi tôi chính thức trở thành gia sư dạy môn Toán cho một em học sinh lớp 6. Tôi đã nhận ra khi tôi có thể giúp em làm bài tập tốt hơn, hiểu bài rõ hơn cũng như kết quả học tập của em học sinh ấy được cải thiện đáng kể. Tôi nhận ra rằng việc giảng dạy và chia sẻ những gì mình biết đem lại niềm hạnh phúc khôn xiết đối với bản thân tôi – một cô sinh viên năm hai lúc ấy. Thấy những em học sinh hay kể cả những người bạn đồng trang lứa của tôi hiểu ra được một vấn đề mà họ đang băn khoăn chưa có hướng giải quyết, sau đó họ đã hiểu rõ cũng như áp dụng được tốt kiến thức mà mình đã truyền đạt, đã chỉ lại là điều tuyệt vời và vô cùng hạnh phúc. Đôi khi, tôi học được nhiều hơn từ việc giảng dạy cho người khác, từ sự tương tác và giao lưu. Bên cạnh đó, việc giảng lại bài cho một ai khác cũng giúp tôi nhớ rõ và kĩ hơn về kiến thức đó. Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn có thể áp dụng những kiến thức bạn học được để giúp người khác và tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.
Học để hiểu rõ bản thân mình hơn
Bên cạnh đó, việc học cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về bản thân mình. Học hỏi không chỉ giúp tôi hiểu thêm về kiến thức bên ngoài mà còn giúp cho tôi việc hiểu rõ bản thân mình hơn. Qua việc đọc sách, tham gia vào các khóa học, hoặc trò chuyện với những người có kiến thức chuyên sâu, tôi có cơ hội tìm hiểu về những giá trị, niềm tin, và mong muốn của bản thân mình. Điều này giúp tôi xác định rõ hơn về mục tiêu và định hướng cuộc sống của mình. Học hỏi cũng là cách để chúng ta thăng tiến trong cuộc sống. Kiến thức và kỹ năng mới mở ra cơ hội mới và giúp chúng ta phát triển sự nghiệp, tạo ra thu nhập, và đạt được những mục tiêu mà chúng ta đề ra. Sự thành công trong cuộc sống không thể thiếu việc học hỏi và phát triển bản thân.
Trong cuộc hành trình của tôi, tôi đã nhận ra được rằng hạnh phúc thật sự xuất phát từ việc nhìn vào việc học với một trạng thái cởi mở hơn để sẵn sàng tiếp nhận mọi kiến thức cũng như trải nghiệm mới. Đó là sự chuyển biến đầy tích cực trong tư duy từ suy nghĩ xem việc học là trách nhiệm buộc phải thực hiện sang suy nghĩ coi đó là một cuộc phiêu lưu đầy sự trải nghiệm hấp dẫn, nơi mà chúng ta có thể khám phá và xây dựng, phát triển bản thân. Học hỏi không chỉ là việc tích lũy kiến thức, mà còn là cách để tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của chúng ta. Với mỗi kiến thức mới và mỗi kỹ năng mà tôi thu thập hằng ngày, tôi tự hỏi bản thân: “Nó sẽ đưa tôi đến đâu?”. Và câu trả lời luôn là một hành trình thú vị và đầy tiềm năng. Hạnh phúc không chỉ nằm trong việc đạt được mục tiêu, mà còn nằm trong quá trình chúng ta được học hỏi, nhận ra những phát hiện mới và cũng như sự phát triển tích cực hơn trong tư duy của bản thân.
Hãy nhớ rằng cuộc đời là một cuộc hành trình, và việc học hỏi là ngọn đèn dẫn đường trên con đường đó. Và khi chúng ta nhìn vào việc học với một sự thích thú và đam mê, chúng ta sẽ không chỉ tìm thấy hạnh phúc trong sự hiểu biết sâu rộng mà còn tìm thấy nó trong sự phát triển và sự thăng tiến của bản thân. Hãy để niềm hạnh phúc của việc học trở thành nguồn động viên và động lực không ngừng cho cuộc sống của bạn.