Học sinh cuối cấp cần chuẩn bị gì trước khi bước chân vào Đại học?
“Lên đại học nhàn lắm”, “Lên đại học có cực kì nhiều thời gian để đi chơi luôn”,… Đó là những câu nói cực kỳ “thao túng tâm lý” các bạn học sinh, đặc biệt là đối với các bạn học sinh cuối cấp. Những câu nói đùa tưởng như vô hại nhưng lại khiến cho tâm lý lơ là của các bạn được “dậy sóng”, vô tình lại đẩy những bạn học sinh cuối cấp trở nên hoảng loạn khi thực sự bước chân vào cánh cổng đại học. Đại học – đúng theo tên gọi, đó là một sự học to lớn hơn, hãy hiểu sâu hơn đó chính là việc học sâu vào chuyên ngành mà mình đã chọn. Vì thế, chắc chắn những kiến thức ở đại học không hề nhàn hay đơn giản như một vài các câu nói mà các bạn đã nghe thấy. Vậy cần phải chuẩn bị gì để có một thời đại học không “học đại”?
Về phương pháp học tập:
các bạn học sinh cuối cấp cần phải chuẩn bị trước về tâm lý bởi có lẽ sẽ rất khác và có nhiều sự thay đổi trong cách giảng dạy khi còn học phổ thông và khi ở cánh cửa mang tên “Đại học”. Ở trường phổ thông, thầy cô sẽ vô cùng nhiệt tình giải thích rõ cặn kẽ từng chi tiết cũng như là “đọc bài” cho các bạn ghi chép thật kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ở Đại học, tính tự giác và tự học là những yếu tố cực kỳ quan trọng để bạn có thể thích nghi được với môn học một cách hiệu quả nhất. Bởi thông thường thầy cô ở bậc đại học không dạy theo phương pháp “đọc chép” như các thầy cô ở phổ thông, thay vào đó, thầy cô ở các trường đại học sẽ dạy liền mạch, với tốc độ nhanh hơn nhiều. Vì vậy, bạn cần phải tự xây dựng cho mình một phương pháp học sao cho hiệu quả. Bạn có thể tự đọc bài trước ở nhà để có thể hiểu sơ qua về bài học ngày hôm đó. Trong giờ học, bạn hãy thật sự chú tâm vào những bài giảng dạy để không bị “miss” các thông tin mà thầy cô đã giảng, đồng thời hãy take note nhanh vào tập vở hay laptop những thông tin quan trọng mà thầy cô nhấn mạnh. Sau đó việc tự học cũng là một phần cực kì cần thiết nếu bạn muốn học tốt ở đại học, vì bạn sẽ không thể nhớ hết tất cả những gì thầy cô đã dạy trên lớp nếu không có sự đọc lại, ôn tập cũng như tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức, bài học đã được giảng dạy trên lớp. Bởi, ở THPT, các bạn có thể sẽ học một chương trong vòng 3-5 buổi học, tuy thế, ở Đại học, trong một buổi học các bạn có thể sẽ phải học 2 chương. Vì vậy, sẽ không điêu nếu như nói học đại học cực kì nặng và không hề “nhàn” như những gì bạn đã được nghe trước đó.
Tiếp đến, về một khía cạnh khác nếu bạn không chọn học đại học ngay tại nơi mình đã-đang sinh sống mà là học đại học ở một thành phố khác, bạn chắc chắn phải chuẩn bị cho bản thân một “list” những nhà trọ cho sinh viên để có thể tìm được một chỗ ở ổn định hoặc bạn có thể chọn ở Ký túc xá của trường. Vấn đề chỗ ở trên đại học vẫn luôn là điều cần ưu tiên trước nhất để các bạn sinh viên năm nhất có thể an tâm nhập học. Kí túc xá và phòng trọ có lẽ là hai lựa chọn phổ biến nhất với các bạn. Tuy nhiên, mỗi chỗ ở thì đều sẽ có mặt lợi và mặt hại khác nhau nên các bạn sinh viên năm nhất cũng cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định lựa chọn nơi mà mình sẽ gắn bó. Nếu bạn chọn ở ký túc xá thì ưu điểm đó là về mặt chi phí, giá ở kí túc xá sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với khi bạn ở phòng trọ hay chung cư. Tuy nhiên sẽ bất tiện về giờ giới nghiêm hay việc không được nấu ăn trong chỗ ở. Còn nếu bạn chọn ở phòng trọ hay chung cư thì sẽ thoải mái về mặt giờ giấc cũng như nấu ăn, tuy vậy giá lại khá cao. Bạn có thể cân nhắc về tài chính hiện có của mình để cân nhắc cho việc nên chọn ở đâu.
Bên cạnh đó, khi lên đại học bạn sẽ học được cách tự quản lý chi tiêu. Việc có cho mình một bảng kế hoạch quản lý chi tiêu rõ ràng, chi tiết và cụ thể sẽ giúp bạn tránh sa đà vào việc mua sắm hay chi tiêu không hợp lý rồi sau đó không có đủ tiền để chi trả cho các khoản quan trọng khác hay chưa đến cuối tháng đã “rỗng ví”. Trước khi mua bất cứ một thứ gì, hãy xem xét thật kĩ nó có thực sự cần thiết hay không, nếu thực sự cần thiết thì mới chi tiêu cho khoản đó. Một cách để bạn có thể dễ dàng kiểm soát tiền nong của mình hơn đó là nên chia tiền ra thành nhiều khoản và có những khoản không được “đụng tới”, ví dụ như tiền phòng trọ chẳng hạn vì nếu như bạn “lỡ tay” tiêu mất thì đến hạn nộp tiền trọ sẽ là một vấn đề lớn vì khoản tiền đó bắt buộc phải trả. Hãy tập làm quen dần với quản lý tài chính cá nhân và bạn sẽ không thấy nó quá khó như bạn vẫn nghĩ.
Ngoài ra, có một điều cũng rất quan trọng mà mình nghĩ bạn nên tìm hiểu trước khi đặt chân vào cánh cổng Đại học đó chính là đọc và tìm hiểu thật nhiều thông tin về ngôi trường đại học mà sắp tới mình sẽ học. Việc tìm hiểu kỹ trước những thông tin cần thiết về trường bạn chuẩn bị học sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc làm quen và không bị bỡ ngỡ hay hoang mang khi bắt đầu nhập học. Bạn có thể tìm kiếm thông tin về ngôi trường mình sắp theo học trong những năm tiếp theo ở trên website của trường, fanpage chính thức của trường, của khoa hay có thể là nghe những lời khuyên, tư vấn từ những người anh, người chị của các khóa trước đó để hiểu thêm về các thông tin cần thiết như là cách dạy học, các cơ sở vật chất hay địa chỉ của ngôi trường bạn sắp theo học… Những thông tin này cũng rất cần thiết và hữu ích cho bạn khi bạn muốn tìm trọ thuận tiện cho việc tới trường của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia vào các group học tập, group sinh viên của trường mình sắp theo học để có nhìn tổng quan cũng như chi tiết hơn về nơi mình sắp nhập học. Khi biết và tìm hiểu kỹ về các thông tin sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về ngôi trường mà bạn sẽ gắn bó trong những năm học sắp tới, đặc biệt giúp bạn tự tin hơn khi bắt đầu nhập học.
Điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất nếu bạn thực sự muốn có những năm học đại học thật nghiêm túc, ý nghĩa cho tương lai của bản thân và cũng như đó là việc “giành lấy” học bổng. Đó chính là bao quát được cho bản thân một lộ trình học tập. Mình sẽ học những môn đại cương gì? Môn chuyên ngành? Môn thể chất gì? Cụ thể là sau khi tìm hiểu các thông tin về ngành học sắp tới của mình, bạn sẽ thấy được toàn bộ chương trình học của bạn trong những năm đại học sắp tới. Vậy nhiệm vụ của bạn nếu muốn trở thành một sinh viên ưu tú đó là, phân loại chương trình học ấy ra thành 3 nhóm môn học chính như: Môn học đại cương (là những môn học nền tảng, cơ bản và cần thiết mà sinh viên ở bất cứ ngành nào cũng cần phải học), Môn chuyên ngành (là những môn học có tác động, ứng dụng trực tiếp tới ngành học mà bạn theo đuổi), Môn thể chất (là những môn học giúp bạn rèn luyện sức khỏe). Vậy việc phân loại chương trình học như trên có mục đích gì? Nó sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát hơn về chương trình và lộ trình học trong các năm tiếp theo của bạn, quan trọng hơn là, việc này giúp bạn biết cách phân loại và đặt mục tiêu cũng như phân chia thời gian hợp lý, sắp xếp sự ưu tiên phù hợp cho từng loại môn học ở trường để bản thân có thể hoàn thành thật tốt các môn học đó.
Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm mà eTeacher.vn – Gia sư Toán học cho trẻ em đã rút ra và hy vọng nó sẽ giúp ích cho những bạn học sinh, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp và sắp trở thành những “Tân sinh viên”. Việc chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ ngay từ những ngày đầu là sinh viên năm nhất sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều không chỉ trong những năm tháng học tập trên trường mà còn là vô số những cơ hội bên ngoài. Mong rằng các bạn đã có thêm cho mình những kinh nghiệm bổ ích sau bài viết này.