Học sinh cuối cấp và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần

Học vấn chưa từng là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng cá nhân tôi nghĩ con đường ngắn nhất là đi trên con đường học vấn. Như Lê-nin đã từng nói “Học, học nữa, học mãi,…”, dường như đã trở thành chân lý không thể khước từ, và nó được ứng dụng mạnh mẽ nhất trong thời đại xã hội phát triển như hiện nay, một xã hội mà bằng cấp lên ngôi, đánh bật cả những khả năng thực sự của một con người. Cũng chính điều đó đã đặt nhiều trọng trách lên những đôi vai nhỏ bé và dường như điều đó trở nên quá sức với những đứa trẻ. Dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe của các bạn nhỏ, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về sức khỏe tâm thần.

Tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần của các bạn học sinh, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp vẫn luôn là một vấn đề đáng chú ý trong thời đại hiện nay. Bởi theo tôi, không những chỉ dưới tác động của nhiều yếu tố xã hội và kinh tế mà còn vì những áp lực về điểm số, thành tích nên học sinh cuối cấp đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến tâm lý và tinh thần, ảnh hưởng không chỉ đến hiệu suất học tập mà còn cả đến chất lượng cuộc sống. Vậy “sức khỏe tinh thần” là gì và tại sao lại cần phải chú trọng đến như vậy? Sức khỏe tinh thần theo quan điểm của tôi là một trong những “công cụ” để “điêu khắc” nên một cuộc sống đầy màu sắc và là chìa khoá quyết định cuộc sống đó “u tối” hay “vui tươi”, là nguồn hạnh phúc và lạc quan đến từ tận sâu bên trong tâm hồn. Một tinh thần mạnh mẽ và lạc quan sẽ giúp chúng ta đối mặt với mọi khó khăn một cách kiên cường. Không chỉ vậy, một tâm hồn an lành và vui vẻ sẽ giúp ta cảm nhận cuộc sống bình yên hơn, làm việc năng suất hơn, từ đó tạo ra trải nghiệm cuộc sống tích cực hơn, giúp ta thấy hài lòng và thỏa mãn cũng như giúp ta tránh xa những tệ nạn xã hội và hàng “tá” những điều tiêu cực khác.

Áp lực từ việc học, từ sự kỳ vọng

Tôi cũng từng trải qua những giai đoạn thăng trầm của tuổi học trò, nhưng chắc những năm cuối cấp luôn khắc sâu vào trong tâm trí tôi. Tôi không chỉ bị đeo bám bởi những con chữ, con số và đề thi thử mà còn có cả sự dằn vặt rằng: “Có lẽ mình học chưa đủ, mình cần phải cố gắng hơn nữa, gia đình dòng họ đều đang quan sát mình. Mình không được thất bại!”. Cũng chính những áp lực vô hình ấy đã đè nặng lên tâm trí của một cô học sinh vừa bước sang tuổi 17. Tôi đã đối mặt với nhiều sự áp lực về học tập, điểm số khiến cho bản thân mình thường xuyên phải đương đầu với các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tinh thần. Theo góc nhìn của tôi, tôi thấy môi trường học tập ngày nay không thực sự dễ dàng đối với các bạn học sinh, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp bởi sự cạnh tranh về thứ hạng trong lớp cũng như “ căn bệnh thành tích” luôn là thứ mà mọi người thường hay nhìn vào để đánh giá một bạn học sinh, nhưng bản thân tôi lại không hiểu nổi: “Liệu điểm số có đang thực sự đánh giá đúng hoàn toàn thực lực của mỗi cá nhân?”.

Tuy vậy, bên cạnh những sự kỳ vọng đến từ phía cha mẹ, thầy cô, thì chính bản thân tôi đã từng tự tạo cho bản thân không ít những áp lực khi còn là một cô học sinh cuối cấp, khiến bản thân tôi luôn trong trạng thái căng thẳng và lo lắng. Tôi hiểu, cha mẹ luôn mong muốn tôi có được những điều tốt nhất trong tương lai sau này, vì vậy luôn thúc ép tôi học tuy nhiên, có một điều đối với tôi cũng khá quan trọng nhưng lại bị các bậc phụ huynh hay bỏ quên đi, đó là “liệu con mình có thật sự thích điều đó?”. Có rất nhiều đứa trẻ và trong đó có cả tôi, đã và đang phải chịu những áp lực “muôn hình vạn trạng” từ người lớn hay cụ thể là từ thầy cô, cha mẹ. Áp lực có thể có hình dạng rất rõ ràng, nhưng cũng có thể ẩn chứa dưới vẻ nhẹ nhàng mà thực tế lại nặng nề hơn bất ngờ. Vấn đề quan trọng là cha mẹ thường không nhận ra, hoặc không sẵn lòng thừa nhận rằng họ đang đặt lên con cái những áp lực nặng nề đó. Không chỉ phải đối diện với áp lực từ gia đình, đối với tôi, các bạn học sinh còn phải chịu sức ép đến từ môi trường học tập, phải nỗ lực hết mình để không ảnh hưởng đến thành tích tổng thể. Trong ánh nhìn của người lớn, họ thường chỉ được nhìn thấy việc học hành. Tuy nhiên, thế giới học đường còn đầy rẫy những khó khăn và tình huống phức tạp mà đôi khi họ phải đối mặt, và đối diện với không ít áp lực đè nén. Nếu cha mẹ không thấu hiểu để can thiệp và động viên kịp thời, tình hình có thể tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Trong giai đoạn lớp 11 và 12, tôi luôn trăn trở về tương lai, sự vô định cũng là một trong những lý do lớn nhất khiến tôi thường rơi vào những sự lo lắng và căng thẳng. Thời kỳ cuối cấp là thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời học sinh, khi tôi cùng các bạn đồng trang lứa phải đối mặt với việc lựa chọn tổ hợp mà mình sắp phải thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi phải chọn được cho bản thân ngành học, chọn được ngôi trường đại học mà mình sắp học trong những năm tiếp theo cũng như định hình tương lai nghề nghiệp cho chính mình. Vì thế, sự không chắc chắn về tương lai cũng có thể tạo ra tình trạng lo lắng, mất định hướng, tâm trạng buồn bã và thậm chí có thể là sự mất ngủ vì suy nghĩ cũng như trằn trọc quá nhiều.

Chế độ sinh hoạt không khoa học ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Một yếu tố khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm lý, tinh thần lẫn sức khỏe thể chất của các bạn học sinh cuối cấp mà theo tôi nghĩ là rất quan ngại đó chính là về chế độ ăn uống cũng như ngủ nghỉ không hợp lý. Sự quá căng thẳng khiến cho các bạn học sinh cuối cấp có một thói quen sống không hề lành mạnh như việc ăn uống qua loa, bỏ bữa sáng, ăn không đầy đủ chất hay thức quá khuya để ôn thi. Bản thân tôi cũng đã từng thường xuyên uống cà phê hay thậm chí là một ngày 3-4 ly cà phê đen chỉ để bản thân luôn cảm thấy tỉnh táo ôn thi, tôi cũng từng tự ép bản thân phải học từ sáng sớm cho đến đêm muộn, việc ăn uống cũng không để tâm liệu mình ăn có đúng giờ hay đã đủ bữa chưa. Không chỉ vậy, áp lực học tập cùng với việc dành nhiều thời gian ngồi học trước màn hình máy tính hay ngồi ì trên bàn học cả ngày để ôn luyện đề có thể dẫn đến thói quen sống không lành mạnh, thiếu vận động và thiếu thời gian dành cho hoạt động giải trí và thư giãn.

Trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe tinh thần

Đôi khi, sự thiếu kiến thức cũng như không quá chú trọng vào sức khỏe tinh thần cũng là một vấn đề khiến cho nhiều bạn trẻ và kể cả tôi không hề nhận biết bản thân đang có vấn đề nghiêm trọng như thế nào. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua căn bệnh trầm cảm, và tôi biết điều vấn đề về tâm lý luôn cần được chú trọng nhiều hơn. Bản thân tôi khá may mắn vì đã phát hiện căn bệnh ấy đúng lúc, tuy thế tôi cũng đã có một quá trình dài tự đấu tranh với căn bệnh ấy của bản thân. Đáng quan ngại hiện nay, đó là nhiều học sinh không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tâm thần và cách giải quyết các vấn đề tinh thần, vì thế có nhiều trường hợp đã không phát hiện kịp thời và đã dẫn đến những hành vi tự làm hại bản thân hay những kết cục không mấy tốt đẹp, hạnh phúc khi tuổi đời còn đang quá trẻ. Các bạn học sinh ấy có thể không biết cách nhận biết các dấu hiệu của tình trạng tâm lý không ổn định cũng như không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Đối với tôi, vấn đề này rất quan trọng và cần chú trọng hơn vì về lâu dài, tình trạng này sẽ càng trở nên rất rất căng thẳng và nghiêm trọng, có thể dẫn tới những hệ lụy như trầm cảm, tâm thần phân liệt,…hay nghiêm trọng nhất đó là những tác động không tốt cho bản thân.

Theo tôi thấy, hiện nay cũng có nhiều phương pháp để giảm áp lực cho trẻ và tự giảm áp lực cho bản thân. Đầu tiên, theo quan điểm của tôi, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhất của những đứa trẻ, do đó các áp lực từ gia đình là không cần thiết. Theo tôi, cha mẹ có thể ngồi xuống học cùng con, hỗ trợ con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bên cạnh đó, cho dù căng thẳng việc ôn thi, các bạn học sinh cuối cấp cũng cần nên có cho mình một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý cũng như là một môi trường học tập phù hợp, cân đối. Đối với tôi, môi trường học tập tốt, đời sống tinh thần lành mạnh và thói quen ăn uống – nghỉ ngơi thật cân đối, phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sức khỏe tinh thần cho các bạn học sinh cuối cấp. Theo tôi, trường học và gia đình cần đảm bảo rằng học sinh có đủ thời gian cho giấc ngủ, ăn uống, các hoạt động thể dục thể thao cũng như các hoạt động giải trí. Việc dành thời gian cho những hoạt động này không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn cung cấp năng lượng tích cực cho tinh thần. Đồng thời, học sinh cuối cấp cũng cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, gặp gỡ bạn bè và tạo mối quan hệ mới, từ đó giúp họ tạo cảm giác kết nối và không cảm thấy cô đơn.

Việc xây dựng kiến thức về sức khỏe tinh thần cũng luôn là một giải pháp hiệu quả, tuyệt vời và quan trọng bởi “Tri thức là sức mạnh”. Trong hành trình xây dựng sức khỏe tinh thần, tôi cũng đã đọc và tích lũy cho mình được thêm các kiến thức về tâm lý và sức khỏe, và tôi thấy những kiến thức đó vô cùng quan trọng. Theo cá nhân tôi, mỗi trường học có thể đưa vào chương trình giảng dạy những kiến thức cơ bản về tâm lý, giúp học sinh nhận biết và hiểu rõ hơn về tình trạng tâm lý của bản thân và người khác. Các bạn học sinh cũng nên biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần, và biết cách tự quản lý cảm xúc một cách hiệu quả thông qua các phương pháp mà bản thân tôi đã từng áp dụng và thấy hiệu quả như thiền định, viết nhật ký hay đi dạo. Những kiến thức và phương pháp này đã giúp bản thân tôi tự tin hơn trong việc giải quyết các tình huống khó khăn và cân nhắc hơn trong việc lựa chọn giải pháp. 

Trau dồi kỹ năng mềm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, trường học và cộng đồng

Trong môi trường giáo dục, việc chỉ trang bị kiến thức học tập cho học sinh theo tôi thấy là chưa đủ để giúp họ đối mặt với các thách thức trong cuộc sống. Thêm vào đó, tôi nghĩ việc trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh cũng cần được chú trọng. Để giúp học sinh phát triển khả năng tự quản lý cảm xúc, vấn đề của mình cũng như đối mặt với áp lực một cách hiệu quả. Các buổi tập huấn và hội thảo về tâm lý học và kỹ năng sống là rất cần thiết. Ngoài ra, theo tôi việc học các kỹ năng sống cũng rất quan trọng. Học sinh cần được trang bị các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này không chỉ giúp học sinh tự tin hơn trong cuộc sống mà còn giúp họ trở nên thành công hơn trong công việc và cuộc sống tương lai.

Theo góc nhìn của tôi, tầm quan trọng của sự hợp tác đa phương cũng rất to lớn. Nhà trường cũng như cha mẹ và thầy cô nên xây dựng một môi trường tinh thần lành mạnh cho học sinh cuối cấp. Sự hợp tác giữa trường học, gia đình và cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường tốt cho sức khỏe tinh thần của học sinh cuối cấp. Khi ba bên hoạt động chặt chẽ và hiệu quả, họ cùng nhau tạo nên một hệ thống hỗ trợ toàn diện, giúp học sinh vượt qua những khó khăn và thách thức tinh thần trong cuộc hành trình đi đến tương lai. Trước hết, gia đình đóng một vai trò then chốt trong việc tạo ra một môi trường ấm cúng và đầy tình yêu thương cho học sinh. Gia đình là nơi đầu tiên học sinh tiếp xúc với những giá trị cơ bản và tạo dựng nền tảng tinh thần. Việc cha mẹ dành thời gian lắng nghe và tương tác với con, tạo cơ hội để học sinh chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ, giúp họ cảm thấy được quan tâm và đồng tình. Ngoài ra, đối với tôi, việc cha mẹ hỗ trợ học tập và khuyến khích khả năng sáng tạo cũng giúp con em tự tin hơn trong việc đối mặt với thách thức học tập và sự không chắc chắn về tương lai. Một phần quan trọng của sự hợp tác này còn đến từ trường học, nơi mà học sinh đồng hành cùng mỗi ngày. Trường học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn phải đảm bảo môi trường học tập lành mạnh và hỗ trợ cho sức khỏe tinh thần của học sinh. Thầy cô có thể đóng vai trò như những người bạn tin cậy, luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ học sinh trong những khoảnh khắc khó khăn. Đồng thời, trường học cũng có thể cung cấp các hoạt động ngoại khóa, tạo cơ hội cho học sinh gặp gỡ và tương tác, từ đó giúp họ cảm thấy kết nối với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, sự hợp tác không chỉ dừng lại ở gia đình và trường học. Cộng đồng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường tinh thần cho học sinh. Sự hỗ trợ từ cộng đồng không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tinh thần mà còn tạo ra một môi trường đa dạng, nơi học sinh có thể học hỏi và trải nghiệm những giá trị khác nhau. Các hoạt động xã hội, tình nguyện và gặp gỡ cộng đồng giúp học sinh phát triển kỹ năng xã hội, từ đó tạo nên sự tự tin và khả năng gắn kết với mọi người. Để hiện thực hóa sự hợp tác giữa ba bên này, tôi nghĩ chương trình giáo dục cần phải điều hướng học sinh, gia đình và cộng đồng vào một mục tiêu chung: xây dựng một tương lai tốt đẹp cho học sinh. Trường học có thể tổ chức các buổi sharing hay job fair để giới thiệu về quá trình học tập, sự phát triển của học sinh và cơ hội sau khi tốt nghiệp, từ đó gia đình và cộng đồng có thể tham gia và cùng chia sẻ thông tin. Gia đình cũng nên tham gia vào các hoạt động học tập và ngoại khóa cùng học sinh, tạo cơ hội để họ cùng nhau trải nghiệm và chia sẻ niềm vui.

Kết

“Áp lực tạo nên kim cương”, câu nói tưởng chừng như vô hại nhưng lại đặt một sức nặng vô hình lên những đôi vai nhỏ bé ấy. Đối với bản thân tôi, bên cạnh đời sống vật chất thì đời sống tinh thần của con trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp nên được chú trọng mạnh mẽ hơn nữa. Những áp lực trong cuộc sống học đường không chỉ khiến cho học sinh cuối cấp căng thẳng về mặt tâm lý mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Vì vậy, theo tôi, việc giúp học sinh cuối cấp giảm bớt áp lực và tăng cường sức khỏe tâm lý là rất cần thiết. Gia đình, trường học và cộng đồng nên chú trọng hơn đến sức khỏe tinh thần của các bạn học sinh cuối cấp, vì đây là thời điểm mà chắc hẳn bạn học sinh cuối cấp nào cũng hết sức lo lắng, bồn chồn cũng như áp lực nặng nề như chính trải nghiệm mà bản thân đôi đã trải qua. Các bạn học sinh cuối cấp cũng không nên vì quá căng thẳng ôn thi mà quên mất việc cũng rất quan trọng khác đó chính là chăm sóc bản thân mình. Việc cố gắng xây dựng cho mình một chế độ nghỉ ngơi, học tập hợp lý cũng là chìa khóa giúp bạn trở nên thành công và tuyệt vời hơn trong tương lai. Sự cố gắng, kỳ vọng là tốt, nhưng hãy cân bằng nó và đừng biến sự kỳ vọng ấy trở thành “áp lực”. Tôi mong những chia sẻ trên của tôi đã giúp bạn có một sự quan tâm hơn đối với vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý.