Làm bạn với con – liệu có khó? 

Gia đình, môi trường đầu tiên mà mỗi chúng ta được tiếp xúc khi chào đời, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và tạo dựng nên các mối quan hệ. Trong đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đóng một vai trò quan trọng, vì thế việc “làm bạn” với con là một trong những khía cạnh quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Liệu có khó để xây dựng và duy trì một mối quan hệ bạn bè với con cái? Đối với mỗi người đặc biệt là đối với con trẻ, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, niềm mong mỏi tìm về mỗi khi con gặp khó khăn, vấp ngã trên đường đời hay khi con có những mối lo âu cũng như cả những niềm vui dù là nhỏ bé trong cuộc sống, thì gia đình chính là nơi mà bất cứ người con nào cũng nghĩ đến đầu tiên để có thể chia sẻ mọi nỗi niềm. Gia đình chính là tổ ấm, là cái nôi của sự dìu dắt, chở che cho từng thành viên. Thế nhưng, có một vài trường hợp mà tôi biết khi con cái lại chẳng thể nào tâm sự, chia sẻ với cha mẹ của tôi, có một khoảng cách vô hình đẩy họ ra xa khiến họ không dám kể cũng như sợ quan điểm của bản thân khác với cha mẹ. Khoảng cách vô hình ấy, theo tôi hiểu đó chính là: Khoảng cách về thế hệ. Bởi trong hành trình của thời gian, chúng ta không chỉ chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ và xã hội, mà còn thấy rõ sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các thế hệ. Một trong những khía cạnh đáng chú ý là khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái. Đây không chỉ là sự chênh lệch về tuổi tác mà còn phản ánh sự khác biệt về giá trị, quan điểm và cách nhìn nhận cuộc sống.

 

Vậy cha mẹ cần làm gì để rút ngắn cũng như phá vỡ cái gọi là “khoảng cách về thế hệ” ấy? Việc mỗi thế hệ được sinh ra vào một thời đại khác nhau, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục, khoa học và công nghệ khác nhau dẫn đến những khoảng cách thế hệ. Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái là một hiện tượng xã hội xảy ra khá phổ biến trong thời đại hiện nay. Theo quan điểm cá nhân thì tôi nghĩ, khoảng cách thế hệ mà cụ thể ở đây là giữa thế hệ cha mẹ và con cái, đó là sự ngăn cách giữa hai luồng suy nghĩ khác nhau và không thể dung hòa được với nhau. Mỗi thế hệ mang trong bản thân họ những trải nghiệm và tư duy khác biệt, và điều này tạo ra sự bất đồng trong cách họ suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Theo tôi, khoảng cách thế hệ là một khái niệm đã xuất hiện từ rất lâu, khi thanh thiếu niên thường có nhu cầu được bày tỏ quan điểm và xây dựng hệ giá trị khác với cha mẹ. Cha mẹ thường có xu hướng tuân theo những giá trị truyền thống cũng như tin vào những kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được qua nhiều năm. Cha mẹ cho rằng, bản thân cha mẹ luôn đúng vì đã trải qua những khó khăn, thử thách, và đã học cách đối mặt với những tình huống khác nhau. Trong khi đó, thế hệ con cái đang trưởng thành trong một thế giới đầy thay đổi, nơi công nghệ tiến bộ, quan niệm xã hội thay đổi và cách tiếp cận cuộc sống cũng đang thay đổi theo thời gian. Chính vì thế đã gây ra sự khác biệt về giá trị và quan điểm, điều này đã tạo ra một khoảng cách “vô hình” giữa cha mẹ và con cái.

Có đôi khi, khoảng cách thế hệ cũng khiến tôi cảm thấy thú vị và đầy hứng thú khi được khám phá cũng như nhìn nhận vấn đề theo những cách suy nghĩ và quan điểm khác biệt của những thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những lúc khoảng cách thế hệ khiến bản thân tôi cảm thấy khó có thể dung hòa được và gây ra sự bất đồng về quan điểm. Sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề và thái độ đôi khi làm cho việc giao tiếp trở nên khó khăn. Như việc ba mẹ tôi có định hướng tôi làm các ngành nghề liên quan tới giáo dục tuy nhiên bản thân tôi lại ưa thích sự linh hoạt và năng động của ngành kinh tế hơn. Ba mẹ tôi luôn cho rằng tham gia câu lạc bộ nhảy hay hoạt động vui chơi ở trường lớp là tốn thời gian, không cần thiết và chỉ nên quan tâm vào việc học hành. tôi lại nghĩ khác, tôi lại ưa thích việc được gặp gỡ mọi người, được thể hiện bản thân nhiều hơn cũng như tôi thích phiên bản năng động hơn của bản thân thay vì chỉ là một hình tượng “mọt sách’’ cả ngày chỉ cắm mặt vô sách vở. Ba mẹ tôi cũng cho rằng việc tôi kết bạn hay giao du với những người xăm mình, nhuộm tóc là không tốt, ba mẹ sợ rằng tôi sẽ trở nên hư hỏng và quậy phá khi tiếp xúc với những người bạn như thế nhưng bản thân tôi lại nghĩ khác. Tôi không hề nghĩ thế bởi tôi nghĩ, việc những người bạn tôi có xăm mình, có nhuộm tóc đó cũng chỉ là phong cách và cách họ thể hiện vẻ bề ngoài của họ, tôi trân trọng những người bạn bởi những giá trị bên trong, về tính cách và về tình cảm, bản thân tôi cũng luôn làm chủ được bản thân để không bị sa đà như cách ba mẹ nghĩ… Đôi khi là vì những suy nghĩ khác biệt đấy mà ba mẹ và tôi đã có những sự bất đồng với nhau. Tôi biết ba mẹ thật ra cũng chỉ muốn tốt cho tôi vì tôi nghĩ rằng chắc chắn những bậc làm cha làm mẹ nào cũng luôn chỉ có mong muốn tốt cho con cái của mình. Thế nhưng đôi khi chỉ vì chưa thể hiểu nhau, thấu cảm cho nhau mà bản thân cha mẹ lại tạo ra một ngăn cách vô hình với con cái của mình và ngược lại.

Vậy làm thế nào để có thể “đập tan’’ được những khoảng cách đấy? Theo tôi nghĩ, các quý phụ huynh không nên tiếp tục lờ đi những lời chia sẻ của con cái hay là bỏ mặc cái khoảng cách ấy cứ lớn lên từng ngày mà hãy luôn tìm cách để gắn kết, kết nối để hiểu con cái của mình hơn. Có nhiều cách để cha mẹ cũng như con cái có thể phá tan sự xa cách đó.

Đầu tiên, tôi nghĩ quý phụ huynh cần dành thời gian để trò chuyện với con cái của mình nhiều hơn. Một trong những việc mà gia đình tôi luôn duy trì đó là bữa cơm gia đình. Cho dù mỗi người đều có cuộc sống riêng và bận rộn như thế nào. Bữa ăn tối chung luôn là cần thiết. Bữa ăn này sẽ duy trì kết nối các thành viên trong gia đình, tạo điều kiện để mọi thành viên có cơ hội trò chuyện với nhau. Hãy nói chuyện với con, hòa nhập và tìm hiểu thế giới của chúng đồng thời cố gắng hiểu được sự khác biệt giữa thế giới của con và cha mẹ. Nói chuyện với con thậm chí còn giúp cho bậc làm cha làm mẹ hiểu rõ bản thân mình hơn. Lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ của con là điều rất quan trọng khiến hai thế hệ có thể xích lại gần nhau. Mỗi quan điểm của từng thế hệ đều có những cái đúng và cái sai riêng, quý phụ huynh nên học cách lắng nghe những quan điểm của con cái và đồng thời cũng nên chia sẻ quan điểm của bản thân cho con em mình hiểu. Và từ đó hãy dung hòa lại cả hai luồng suy nghĩ ấy, đi đến một hướng kết luận làm vừa ý hai bên. Các bậc phụ huynh cũng hãy mở lòng ra và nói chuyện với con mình nhiều hơn, hòa nhập và tìm hiểu thế giới riêng của con cái đồng thời thấu cảm được sự khác biệt giữa thế giới của con và cha mẹ luôn là một điều rất cần thiết. Một vấn đề có rất nhiều góc nhìn, việc mở lòng và lắng nghe góc nhìn của thế hệ khác cũng là một cách hay để bản thân mỗi người mở rộng hơn về tư duy, suy nghĩ. Mở cửa cho sự thảo luận và lắng nghe luôn là một cách tốt bởi cha mẹ có thể học hỏi về cuộc sống hiện đại của con cái và con cái cũng có thể tìm hiểu về những trải nghiệm quý báu từ quá khứ của cha mẹ. Cha mẹ có thể chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm từ thời thanh xuân để tạo sự gắn kết. Con cái cũng có thể kể về những thành tựu và trải nghiệm của chính bản thân để cha mẹ hiểu rõ hơn về thế giới hiện tại. Do đó, theo tôi, việc trò chuyện và chia sẻ là một trong những cách tuyệt vời nhất để đập tan khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình.

Bên cạnh đó, việc bắt kịp xu hướng hiện đại cũng khiến tư duy của bậc phụ huynh được đa chiều cũng như đến gần với suy nghĩ của con cái hơn. Cha mẹ nên cập nhật các xu hướng để có thể bắt nhịp với sự phát triển của con cái, điều này đồng nghĩa với việc bậc phụ huynh cần học cách bước vào thế giới của con, hiểu ngôn ngữ của chúng cũng như tiếp nhận những xu hướng mới hay công nghệ hiện đại đang phổ biến trong thời đại hiện nay. Vừa giúp cha mẹ tăng thêm hiểu biết, lại vừa có thể tiến gần với thế giới của con cái hơn. Khi cha mẹ hiểu hơn về con, và con cái cũng có sự lắng nghe ý kiến của cha mẹ thì việc trò chuyện giữa các bậc làm cha làm mẹ và con cái sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Và chắc chắn, việc cha mẹ làm bạn với con cũng sẽ trở nên đơn giản hơn.

 

Điều tiếp theo để giúp bạn phá tan được rào cản về thế hệ mà tôi nghĩ nhiều quý phụ huynh thường hay mắc phải. Nếu bậc cha mẹ muốn dạy con cũng như làm bạn với con mình thì không nên để sự so sánh chen vào. Các quý phụ huynh được sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh và môi trường hoàn toàn khác với thế hệ bây giờ. Vì vậy, cha mẹ không nên ép buộc con trẻ phải suy nghĩ theo cách của bản thân. Cũng như mỗi người, mỗi thế hệ đều có những áp lực, khó khăn riêng vì thế việc hạn chế bớt những sự so sánh không đáng có cũng là điều cần thiết. Mỗi thế hệ, mỗi con người đều có những sự khó khăn riêng cũng như sức chịu đựng của mỗi cá nhân là khác nhau vì thế những câu nói như “Có như vậy mà cũng than, thời của cha/mẹ còn khó khăn hơn vậy nhiều…” theo quan điểm của tôi là không cần thiết, bởi “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, cha mẹ cũng không nên phán xét con mà hãy dùng một trái tim biết thông cảm và sẻ chia với con cái của mình hơn. Thói quen so sánh có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Hiểu và tôn trọng những khía cạnh độc đáo của mỗi thế hệ, cùng với việc thấu hiểu và chia sẻ, có thể giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn và tạo cơ hội cho sự phát triển cá nhân của con cái.

 

Bên cạnh đó, để có thể dễ dàng giáo dục được con trẻ và đồng thời là làm bạn với con. Các bậc phụ huynh cần suy nghĩ thoáng và linh hoạt hơn để chấp nhận những thay đổi. Cũng như bậc cha mẹ cần hiểu về nhu cầu của trẻ luôn tăng và phát triển, đồng thời giúp chúng thích nghi hơn theo thời gian. Không nên phán xét con cái ngay tức khắc  trước những lời chia sẻ của con mà hãy tập cách lắng nghe cũng như đồng cảm trước với con và sau đó có thể nhẹ nhàng nêu lên quan điểm của cha mẹ để con cũng như cha mẹ được hiểu hơn về góc nhìn của mỗi người và cùng thống nhất đưa ra một hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất.

 

Tuy nhiên, có những quan điểm hay lối suy nghĩ chưa đúng hay cách nhìn nhận còn khá non nớt của con cái, quý phụ huynh cũng không nên ngần ngại mà hãy chỉnh sửa cho con hiểu ngay lập tức. Truyền đạt cho con những giá trị cốt lõi luôn là điều đúng đắn và nên làm. Thời đại thay đổi không đồng nghĩa rằng mọi giá trị đẹp đẽ và cốt lõi từ trước cần phải phải dẹp bỏ. Cha mẹ có thể truyền đạt lại cho con tất cả những giá trị và truyền thống tốt đẹp của gia đình đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dạy con tôn trọng những giá trị đó và khuyến khích chúng tiếp tục noi theo cũng như phát huy những giá trị, truyền thống đó ngay cả ở thời điểm hiện tại lần trong tương lai về sau.

 

Mặc dù khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái có thể tạo ra một số thách thức, nhưng việc tạo cơ hội để hiểu biết, thấu hiểu và kết nối có thể làm dịu đi sự chênh lệch này. Sự gắn kết giữa các thế hệ không chỉ là cách tạo ra mối quan hệ gia đình bền chặt hơn, mà còn giúp chúng ta học hỏi và phát triển từ nhau. Hãy để cho con có thể được tự do bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, cũng như hay chia sẻ những vốn sống của cha mẹ cho con cái hiểu thêm hơn. Và từ đó, con cái cũng sẽ dễ dàng cởi mở và chia sẻ với cha mẹ mọi tâm tư tình cảm hơn.