Lộ trình A-Z xây dựng kỹ năng tự tin nói trước đám đông cho con từ nhỏ
Câu chuyện đáng ngẫm nghĩ
Liên: Mày có ý tưởng hay á. Đứng lên nói cho cô nghe đi
Phụng: Thôi, tao sợ lắm. Mày nói dùm tao đi
Liên: Có ai ăn thịt mày đâu mà mày sợ dữ vậy. Tao dơ tay phát biểu là tao lấy điểm cộng à nha
Phụng: Thôi tao sợ đứng lên lắm. Tao nhường mày á
—
Cô Giáo: Cô thấy em Phụng có ý kiến muốn phát biểu đúng không nhỉ ? Em đứng dậy phát biểu cho mọi người nè
Phụng: Em hả cô ? Dạ à… ừm…ý kiến của em… là … ( Phải mất 10 phút Phụng cũng vẫn không giải thích được ý kiến của mình cho mọi người hiểu )
Cô Giáo: Thôi em ngồi xuống đi. Để tránh mất thời gian của mọi người
(Phụng ngồi xuống trong buồn rầu và thất vọng)
—
Liên: Phụng, tao thấy mày nên làm sao thay đổi nỗi sợ nói trước đám đông của mày đi.
Mày cứ như vậy là không bao giờ mày nói lên được tiếng nói của mày hết và mày sẽ dần bị mọi người xem thường.
Phụng: Nhưng tao không biết làm sao để cải thiện hết. Từ nhỏ trong gia đình tao đã như vậy rồi. Tao còn không có tiếng nói trong chính gia đình của tao chứ nói gì là trên trường lớp.
—
Thật đáng buồn, câu chuyện này thực tế đã xuất hiện ở rất nhiều đứa trẻ hiện nay. Phụng, một cô gái có trí tuệ và tiềm năng, đáng lẽ ra có thể tỏa sáng. Nhưng nỗi sợ hãi và thiếu tự tin nói trước đám đông đã khiến cô bị mất cơ hội để thể hiện ý kiến của mình. Điều đáng tiếc hơn, Phụng không biết bắt đầu từ đâu để thay đổi bản thân. Và thậm chí, còn khó khăn hơn khi gia đình của cô cũng không coi trọng việc phát triển kỹ năng tự tin trước đám đông của con cái.
Nếu Phụng tiếp tục tình trạng này, tương lai của cô sẽ như thế nào?
Kỹ năng tự tin nói trước đám đông là gì ?
Kỹ năng tự tin nói trước đám đông là khả năng thể hiện ý kiến, diễn đạt ý tưởng, và giao tiếp một cách tự tin và hiệu quả khi bạn đứng trước một nhóm người hoặc đám đông. Đây là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp, và nó có thể áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm:
Tham gia phát biểu ý kiến trên trường lớp,
Thuyết trình công việc trong công ty,
Tham gia cuộc họp trong trường học hoặc công ty,
Phỏng vấn công việc,
Tham gia các hoạt động xã hội,
Dạy và huấn luyện người khác, ….
Tại sao kỹ năng tự tin nói trước đám đông là quan trọng cho trẻ ?
Kỹ năng tự tin nói trước đám đông mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự phát triển cá nhân, nghề nghiệp và xã hội.
1. Thể hiện bản thân : Kỹ năng tự tin nói trước đám đông cho phép con thể hiện ý kiến, giá trị, và tư duy của mình một cách rõ ràng và mạnh mẽ. Từ đó con định vị được bản thân và tạo dấu ấn và nổi bật trong một tập thể. Hơn thế nữa, kỹ năng nói trước đám trước có thể giúp con tạo ra mối quan hệ chất lượng và tác động đến quyết định và hành vi của người khác.
2. Cơ hội nghề nghiệp : Khả năng nói trước đám đông giúp con thuyết phục, thể hiện khả năng lãnh đạo và tạo ấn tượng trong cuộc phỏng vấn công việc. Điều này có thể giúp con thăng tiến và mở ra cơ hội mới.
3. Tự tin và tinh thần lạc quan : Khi con tự tin trong việc nói trước đám đông, con xây dựng sự tự tin và tinh thần lạc quan. Việc đối mặt với nỗi sợ hãi và vượt qua nó giúp con trở nên mạnh mẽ hơn và tin vào khả năng của bản thân.
4. Giao tiếp hiệu quả : Kỹ năng tự tin nói trước đám đông giúp con giao tiếp hiệu quả hơn trong nhiều tình huống. Con có khả năng truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng, thấu hiểu đám đông, và tạo sự kết nối tốt hơn với người khác.
5. Phát triển kiến thức và tư duy : Khi con chuẩn bị và trình bày một bài diễn thuyết hoặc thuyết trình, con phải nghiên cứu, phân tích và tổ chức thông tin một cách lôi cuốn và mạch lạc để người nghe yêu thích và hiểu điều con nói. Con sẽ phát triển kiến thức và tư duy logic từ đó.
Khi nào ba mẹ nên dạy kỹ năng tự tin nói trước đám đông cho con ?
Ba mẹ nên dạy kỹ năng tự tin nói trước đám đông cho con ngay từ khi con còn nhỏ. Đây là một quá trình phát triển quan trọng và cần thời gian, không nên chờ đợi đến khi trẻ lớn hơn. Việc này có thể bắt đầu từ lúc con còn ở giai đoạn từ 0 – 3 tuổi khi con mới chào đời – đây là giai đoạn tạo ấn tượng đầu tiên cho trẻ. Nhưng giai đoạn quan trọng là từ 3 đến 5 tuổi khi con học mẫu giáo và tiếp tục trong suốt quá trình trưởng thành của con.
Làm sao để giúp con vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông ?
Đây là câu trả lời dành cho ba mẹ có con đang đối diện với nỗi lo sợ khi phải nói trước đám đông. Có thể là do con sợ một tình huống không mong muốn nào đó sẽ xảy ra. Hoặc là vì quá khứ đã để lại dấu ấn khiến cho con cảm thấy xấu hổ và tự ti khi đứng trước nhiều người. Hiện tại, nỗi lo sợ này đang là rào cản đối với khả năng tự tin của con khi thể hiện mình trước đám đông.
Trò chuyện và lắng nghe con để tìm ra lý do con sợ
Có nhiều lí do khác nhau khiến cho con sợ nói trước đám đông. Như con sợ nói sai, sợ mọi sẽ đánh bản thân, sợ bị chế giễu và phê phán hoặc đôi khi con bị áp lực và kỳ vọng của người thân quen. Còn có thể là con tự ti về ngoại hình và giọng điệu của mình. Việc biết rõ nỗi lo lắng của con sẽ giúp bạn tìm ra biện pháp một cách dễ dàng hơn.
Xây dựng lại nhận thức mới và tư duy tích cực cho con
Giải thích và phân tích cho con hiểu là sai lầm, mắc lỗi, thất bại là chuyện bình thường của mỗi con người. Không ai là hoàn hảo 100% cả, ai cũng sẽ 1,2 lần mắc sai lầm. Nhưng nếu con “ lỡ miệng” nói sai điều gì thì cứ nói lại, sửa lại ngay lập tức. Hoặc nhanh chóng lướt qua chúng. Xây dựng cho con tư duy “ Mọi người không ai thật sự quan tâm đến ta nhiều vậy đâu, nên cứ thoải mái thể hiện bản thân.” Kể cả ngoại hình và giọng nói của con, nó không phải là vấn đề của bài thuyết trình và tiếng nói của con trước đám đông. Nên điều quan trọng là tập trung vào nội dung và cách truyền tải thông điệp, lời nói con mang đến cho mọi người như thế nào.
Nếu con chưa chưa tự tin, hãy giả vờ cho đến khi thành sự thật
Con có thể hiện sự tự tin dù con đang rất lo lắng bằng thể hiện hình thể tự tin như:
Tư thế đứng : luôn thẳng vai, nên duy chuyển tương tác thay vì đứng yên
Phong thái cử chỉ : Ngôn ngữ cơ thể linh hoạt, trùng khớp với lời nói
Biểu cảm gương mặt : tươi cười, thoải mái và chọn những điểm tựa an toàn để đặt mắc vào.
Giọng nói : Tránh ” à ừm “ nhiều và âm điệu dứt khoát
Xây dựng cho con tiềm thức tin tưởng vào bản thân
Dạy con khi gặp khó khăn và trở ngại mà đừng bỏ cuộc mà hãy luôn tự nhủ bản thân là “ Mình sẽ làm được”, “ Không có gì mà mình không làm được hết”.
Lộ trình xây dựng kỹ năng tự tin trước đám đông cho trẻ
1. Ấn tượng đầu tiên (từ 0 đến 3 tuổi): Có thể ba mẹ nghĩ giai đoạn này con làm sao có thể cần rèn luyện kỹ năng này?
Thật ra là đây giai đoạn không kém quan trọng. Khi con chào đời, mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm với con. Con thường rất tò mò và chú ý đến mọi thứ xung quanh, con lắng nghe và quan sát mọi lời nói và hành động của gia đình. Lúc này mình sẽ tạo ấn tượng đầu tiên cho con như giao tiếp với con bằng ánh mắt. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gia đình thường “nói chuyện” nhiều với con từ sớm, sẽ giúp kích thích thính giác con phát triển. Từ đó hỗ trợ quá trình phát triển ngôn ngữ và giúp con biết nói sớm hơn. Bằng cách tạo ra môi trường giao tiếp giàu ngôn ngữ, ba mẹ còn đặt nền móng cho khả năng giao tiếp và học hỏi trong tương lai của con.
Thậm chí trong gia đình có thể thúc đẩy trẻ “nói” bằng cách khuyến khích giao tiếp “phi ngôn ngữ”. Ví dụ như kích thích sự giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể cho con.
2. Từ độ tuổi mẫu giáo (từ 3 – 5 tuổi): Trong giai đoạn này, trẻ đang phát triển ngôn ngữ và sự tự tin cơ bản. Lúc này ba mẹ nên xây dựng cho con về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp.
Tạo môi trường thoải mái và an toàn khi con nói chuyện trước người khác (Không nên chê trách hoặc trêu chọc khi trẻ mắc lỗi.)
Thường xuyên trò chuyện với con về đời sống hằng ngày
Thường xuyên đọc sách, kể chuyện con nghe
Khuyến khích trẻ tham gia tự mình đọc sách, kể chuyện mà con thích.
Và tham gia vào các nhóm chơi để tạo cơ hội cho con thực hành giao tiếp và thể hiện ý kiến.
3. Giai đoạn khởi đầu tiểu học (từ 5 tuổi – 6 tuổi): Khi trẻ chuẩn bị bước vào trường tiểu học, con sẽ phải đối mặt với việc nói trước lớp. Ba mẹ có thể hỗ trợ bằng cách tạo các tình huống mô phỏng, nơi trẻ có thể thử nghiệm kỹ năng tự tin nói trước đám đông. Hãy khuyến khích con chia sẻ câu chuyện hoặc thông tin về chính con với lớp.
Như :
Tập giới thiệu tên tuổi của mình trước mặt cả lớp
Luyện tập cách bắt chuyện và kết bạn mới
Kỹ năng đưa ra lời từ chối khôn khéo và không bị bạn bè xa lánh
Cách nói lời cảm ơn và lời xin lỗi
Dạy con tạo mối quan hệ tích cực với người khác
4. Trong giai đoạn học tiểu học ( từ 6 tuổi – 12 tuổi): Trong giai đoạn này, ba mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động như câu lạc bộ học thuật, đọc sách trước lớp, hoặc tham gia vào những dự án nhỏ. Hơn thế nữa, ba mẹ khuyến khích con tham gia vào các cuộc thảo luận gia đình. Các hoạt động này giúp trẻ phát triển khả năng tự tin nói trước đám đông và kỹ năng giao tiếp.
Dạy con cách giao tiếp hiệu quả ở tình huống khó hơn
Dạy con kỹ năng lắng nghe
Dạy thể hiện sự tự tin qua cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể
Thể hiện sự quan tâm và tôn trọng người khác
5. Thời kỳ thanh thiếu niên ( từ 13 – 18 tuổi): Trong giai đoạn này, trẻ trở nên nhạy bén hơn về xã hội và ngày càng quan tâm đến việc thể hiện bản thân.
Ba mẹ có thể hỗ trợ bằng cách khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, như câu lạc bộ, diễn xuất.
Hoặc tham gia vào các dự án cộng đồng.
6. Trong thời kỳ học đại học và sau đại học: Khi trẻ bước vào độ tuổi thanh niên và sau đại học, việc phát triển kỹ năng tự tin nói trước đám đông càng trở nên quan trọng hơn. Lúc này, con có thể hoàn toàn tự tin trước đám đông nhưng ở quy mô lớn hơn.
Ba mẹ có thể khuyến khích con tham gia vào các nhóm nghiên cứu, thuyết trình, hoặc các sự kiện xã hội.
Hoặc rèn luyện khả năng nói trước đám đông của con bằng tiếng anh.
Dạy con cách trả lời phỏng vấn sao cho thông minh
Những lưu ý khi xây dựng kỹ năng tự tin trước đám đông cho con
Tìm hiểu điểm yếu và điểm mạnh của con trước
Hiểu rõ điểm mạnh của con giúp bạn tập trung phát triển và khai thác chúng. Và hỗ trợ đặc biệt để giúp con vượt qua điểm yếu. Nếu con có khả năng giao tiếp tốt hoặc có kiến thức sâu về một chủ đề nào đó, bạn có thể khuyến khích con phát triển theo hướng này và sử dụng điểm mạnh để xây dựng tự tin.
Ví dụ, nếu con có điểm mạnh trong nghệ thuật, bạn có thể đăng ký con tham gia các lớp học nghệ thuật hoặc tham gia vào các dự án nghệ thuật cộng đồng và trò chuyện nhiều những chủ đề nghệ thuật.
Khi con lỡ mắc lỗi khi nói trước đám đông
Khi con lỡ mắc lỗi trong quá trình nói trước đám đông, điều quan trọng là tránh chỉ trích quá mức hoặc mang tính biểu đạt tiêu cực. Thay vào đó, hãy nêu lỗi một cách nhẹ nhàng và xây dựng để con có thể rút ra bài học. Đừng xem lỗi là điều tồi tệ, mà hãy xem đó là cơ hội học hỏi và cải thiện.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nói trước đám đông
Hãy giúp con chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi buổi thuyết trình hoặc sự kiện nói trước đám đông. Học cách nghiên cứu và tổ chức thông tin, luyện tập nói chuyện trước gương, và làm quen với tình huống trước.
Dạy con cách xử lý căng thẳng và lo âu
Khi con phát triển khả năng tự tin, có thể có những thời điểm con gặp phải áp lực hoặc cảm thấy lo âu trước khi phải thể hiện mình. Đây là một phần không thể tránh khỏi của quá trình rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông.
Khuyến khích con giải tỏa cảm xúc bằng lời nói
Luyện tập kỹ thuật hít thở để giảm căng thẳng
Sử dụng phương pháp giải trí và thư giãn lành mạnh
Đối phó với sự phê phán và phản đối
Nói cho con hiểu đây là những điều dĩ nhiên sẽ xảy ra và bất kì ai cũng phải gặp để trở nên giỏi hơn. Điều đầu tiên, con cần là giữ một tinh thần bình tĩnh, tôn trọng và học hỏi nếu con sai. Lắng nghe hoặc đặt câu hỏi cho đối phương để hiểu rõ vấn đề nằm ở đâu. Sau đó, con sẽ trả lời, giải thích để họ hiểu hơn về những gì con trình bày. Hoặc nếu thấy họ nói đúng thì ghi nhận để lần sau lần sau con cải thiện tốt hơn. Nhưng đôi khi phải dạy con cách mặc kệ những lời tiêu cực vì những người không tốt, họ không có ý muốn giúp con phải triển mà chỉ muốn công kích.
Luyện tập thường xuyên :
Nhớ rằng việc phát triển kỹ năng tự tin nói trước đám đông là một quá trình kéo dài và cần rất nhiều thời gian. Hãy kiên nhẫn và tạo điều kiện cho trẻ thực hành và phát triển theo từng bước. Nhưng với tần suất thực hành và luyện tập là thường xuyên.
Hãy phản hồi tích cực và khen thưởng vì nỗ lực của con
Hãy đưa ra phản hồi tích cực và khích lệ khi con đã nỗ lực thể hiện kỹ năng tự tin nói trước đám đông. Tập trung vào những điểm mạnh của con và cách con đã cố gắng thay vì chỉ nhấn mạnh những lỗi hoặc điểm yếu. Đừng quên thưởng để con có động lực tiếp tục phát triển kỹ năng này. Có thể là một bữa đi chơi, đi ăn với gia đình để chúc mừng con hoàn thành tốt bài thuyết trình nào đó.
Tìm kiếm lời nhận xét từ người giỏi hơn và học hỏi từ họ
Hãy tận dụng cơ hội để học hỏi và lấy động lực những người có kỹ năng tự tin nói trước đám đông xuất sắc như giáo viên, diễn giả.
Thường xuyên cho con cơ hội tham dự các sự kiện, hội thảo, hoặc khóa học liên quan đến việc phát triển kỹ năng tự tin. Sau đó, hãy khuyến khích con nắm bắt cơ hội để trò chuyện với những người xuất sắc trong lĩnh vực đó. Con có thể hỏi về họ đã làm gì để trở nên tự tin khi nói trước đám đông, cách họ chuẩn bị và thực hiện các buổi diễn thuyết hoặc buổi trình bày, và cách họ xử lý cảm xúc và áp lực.