4 CÁCH BIẾN HỌC TẬP THÀNH ĐAM MÊ, LƯỜI HỌC KHÔNG CÒN LÀ VẤN ĐỀ

lười học

Bạn đang cảm thấy lười học và mất dần động lực học tập? Tìm hiểu ngay 4 phương pháp học tập thú vị để giúp biến học tập thành đam mê, lấy lại sự hứng thú qua bài viết sau! 

Bỗng dưng một ngày bạn cảm thấy lười học và không còn động lực để học tập. Bạn cho rằng việc học tập không phù hợp với mình. Bạn nghĩ rằng bản thân không thông minh, kém cỏi thậm chí là vô dụng. Bạn cảm thấy bế tắc và rồi lơ là với việc học. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập, sự phát triển cá nhân và cơ hội nghề nghiệp. Hãy cùng eTeacher.vn tìm hiểu 4 phương pháp thú vị sau để biến học tập thành đam mê nhé.

  • Xác định mục tiêu học tập cụ thể

Xác định mục tiêu học tập rõ ràng và cụ thể là một trong những cách giúp bạn hình thành đam mê với học tập. Việc hiểu rõ sở thích, đam mê và mục tiêu cá nhân sẽ giúp bạn tìm cách liên kết môn học với những gì bạn quan tâm và có mục tiêu rõ ràng để hướng đến. Từ đó, bạn sẽ không còn cảm thấy lười học.

Đồng thời hãy tự hỏi và trả lời những câu hỏi: “Mình học để làm gì? Nếu mình cố gắng học sẽ đạt được điều gì? Nếu không học, mình sẽ mất gì?” Khi bạn có một mục tiêu học tập cụ thể, bạn sẽ có động lực để theo đuổi nó và không để bị quấy nhiễu bởi những tác nhân bên ngoài.

  • Tìm kiếm nguồn tài liệu phù hợp 

Bạn không nhất thiết phải học theo một cách truyền thống hay đơn điệu. Thay vào đó, hãy tận dụng những nguồn tài nguyên học liệu phù hợp với bản thân hơn như: sách điện tử, video, podcast, blog, trò chơi,… 

Bạn cũng có thể tham gia các khóa học trực tuyến như trên Coursera hay trực tiếp. Hoặc tìm các nhóm học tập, thảo luận, các cuộc thi, dự án liên quan đến lĩnh vực bạn quan tâm. Những nguồn tài liệu này sẽ giúp bạn không còn cảm giác lười học mà biến học tập trở nên sinh động, thú vị và hiệu quả hơn.

  • Tạo lịch học phù hợp

Điều quan trọng nhất không phải bạn học nhiều hay ít mà cần phải hiểu và vận dụng được các kiến thức đã học một cách linh hoạt. Việc ép bản thân học chỉ khiến cơ thể và tâm trí trở nên mệt mỏi và trở nên lười học. Hãy xác định cho mình một khối lượng kiến thức vừa đủ và phù hợp với bản thân để tiếp thu. Đồng thời, đặt ra thời hạn cụ thể như “Quyết tâm học hết bảng động từ bất quy tắc trong 2 ngày”. Làm như vậy sẽ giúp bạn thoải mái và hình thành được đam mê đối với học tập.

Thay vì học một cách vô định hướng, “nước đến chân mới nhảy”, tại sao bạn không chia nhỏ việc học? Việc phân chia thời gian khoa học sẽ giúp bạn cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ dễ dàng nắm được tiến độ học tập của mình qua việc lên kế hoạch học tập hợp lý và khoa học.

  • Kết nối với những người có cùng mục tiêu

Bạn có thể tìm kiếm cho mình những người bạn, giáo viên hay chuyên gia trong lĩnh vực bạn muốn tìm học. Đừng giới hạn kết nối của bản thân với những người cùng đam mê và định hướng. 

Việc học là việc cả đời và không bao giờ đủ. Chính vì thế, bạn có thể tìm được những người bạn cùng học, những anh chị đã từng học qua, những thầy cô tìm hiểu lại để bắt đầu đi dạy, những chuyên gia đang đào sâu kiến thức về lĩnh vực bạn đang tìm hiểu. Tất cả đều sẽ mang đến cho bạn những bài học thú vị mà trường lớp không thể mang lại. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận được sự khích lệ, góp ý và phản hồi từ những người này để cải thiện kỹ năng và kiến thức của mình. Đồng thời gia tăng hứng thú của bản thân và loại bỏ sự lười biếng ra khỏi môi trường học tập của mình.

Tổng kết

Vượt qua lười học và lấy lại hứng thú học tập không phải việc đơn giản mà là cả một hành trình của sự cố gắng. Bằng những phương pháp như xác định mục tiêu học tập, tìm kiếm nguồn tài liệu phù hợp, lên kế hoạch học tập hay tìm kiếm những người bạn có cùng định hướng sẽ giúp bạn nhanh chóng khắc phục chứng lười học. Hy vọng những phương pháp trên sẽ giúp ích cho bạn, giúp bạn biến việc học thành đam mê để lười học không còn là vấn đề!