Mạng xã hội và trẻ em: Những con số đáng báo động!
Ngày nay, mạng xã hội có lẽ là một công cụ quan trọng đối với mọi lứa tuổi. Ngay cả trẻ em cũng không còn xa lạ gì với những trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Tik Tok,… Đây là nơi mà chúng ta có thể tiếp cận với vô vàn những điều thú vị, học hỏi thêm những kiến thức mới hoặc chỉ đơn thuần là để giải trí sau thời gian học tập và làm việc căng thẳng. Mạng xã hội dường như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội vẫn còn tiềm tàng nhiều mặt tối khác và có thể gây ảnh hưởng đến người dùng, đặc biệt là trẻ em. Chúng ta cùng tìm hiểu về những ảnh hưởng từ mạng xã hội đến trẻ em qua bài viết sau đây nhé!
Những con số đang nói lên điều gì?
Theo số liệu từ UNICEF, có hơn 83% trẻ em từ 12 đến 13 tuổi đã sử dụng mạng xã hội và ở độ tuổi 14 đến 15 thì con số này là 93%. Mạng xã hội trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của mọi lứa tuổi và ở trẻ em, con số này đang dần tăng lên một cách đáng kể. Ở mạng xã hội, chúng ta có thể chia sẻ những câu chuyện của bản thân, những điều thú vị trong cuộc sống hàng ngày và nhận về những kiến thức mới, những người bạn mới và những bài học mới. Vì thế, việc chúng ta ngày càng quan tâm đến mạng xã hội là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, ở mạng xã hội, chúng ta có thể có những niềm vui nho nhỏ qua những lượt like, comment từ những người bạn, chúng ta dễ dàng kết nối và chia sẻ với nhau hơn. Và đương nhiên, những điều đó không thể thực hiện ở ngoài đời thực. Đó là lí do mà mạng xã hội có sức hút lớn đến như vậy.
Theo khảo sát của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 đến 7 giờ một ngày. Đây là một con số đáng báo động. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia tại Trường Đại học Pensilvania, Mỹ cho biết, việc dành quá nhiều thời gian để truy cập mạng xã hội làm gia tăng chứng trầm cảm. Đặc biệt là trẻ vị thành niên, khi các em đang ở độ tuổi mà tâm sinh lý có nhiều thay đổi thì việc sử dụng mạng xã hội với tần suất cao như vậy sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tinh thần của các em.
Theo báo cáo từ Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), có khoảng 36,5% trẻ em đã từng xem qua những thông tin và hình ảnh liên quan đến các vấn đề bạo lực từ internet. Bên cạnh đó, có hơn 13% trẻ em cho biết đã vô tình xem qua những hình ảnh, tài liệu nhạy cảm từ internet. Đây chính là mặt tối của mạng xã hội, việc trẻ em dễ dàng tiếp cận kiến thức và thông tin mới cũng đồng nghĩa với việc các em cũng không tránh khỏi những thông tin xấu và hình ảnh nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi. Môi trường mạng rất phức tạp, chúng ta sẽ không thể nào biết được phía sau màn hình bên kia là ai đang trò chuyện với mình, liệu họ có thực sự giống như những gì họ chia sẻ ở trang cá nhân của họ hay không. Chính vì thế, việc trẻ em được tự do sử dụng mạng xã hội mà không có sự hướng dẫn hay quản lý từ người lớn là vô cùng nguy hiểm.
Một số dữ liệu từ dự án nghiên cứu của UNICEF vào năm 2022, khảo sát 994 trẻ em Việt Nam ở độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi cho biết, 8% các em cho biết mình đã nhận được những bình luận khiếm nhã từ những bài viết trên mạng xã hội, 5% các em nhận được những hình ảnh nhạy cảm từ người lạ, 2% các em nhận được những tin nhắn yêu cầu trò chuyện về tình dục và 1% bị yêu cầu chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm của bản thân. Mạng xã hội như một thế giới thu nhỏ, ở đó, bên cạnh những người tốt, chia sẻ những thông tin lành mạnh thì cũng tồn tại không ít kẻ xấu, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những thông tin độc hại, những hình ảnh nhạy cảm và sử dụng nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi nhắm đến trẻ em, những người nhẹ dạ cả tin.
Ba mẹ cần phải hành động ngay
Chúng ta đều biết rằng mạng xã hội là một con dao hai lưỡi, bên cạnh những điều tích cực thì đâu đó vẫn tồn tại không ít những điều tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của chúng ta, và ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đối với trẻ em.
Dẫu biết nhiều tác hại từ mạng xã hội là thế, nhưng trên thực tế, chúng ta cũng không thể cấm trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay. Bỏ qua mạng xã hội sẽ không theo kịp với thời đại, nhưng sử dụng quá đà cũng sẽ không mang đến kết quả tốt. Vì vậy, ba mẹ nên hướng dẫn con tham gia mạng xã hội đúng cách trước khi cho con bắt đầu sử dụng. Bên cạnh đó, ba mẹ nên theo sát các em trong quá trình sử dụng mạng xã hội, thường xuyên trò chuyện với các em và đưa ra những lời khuyên phù hợp khi nhận thấy các em đang sử dụng mạng xã hội sai hướng.