Môi Trường Xung Quanh Ảnh Hưởng Đến Con Như Thế Nào?

 

Môi trường học tập xung quanh là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển và hình thành tư duy của trẻ em. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các yếu tố được thiết kế trong các cơ sở chăm sóc trẻ em và trường học ảnh hưởng lớn đến hành vi của trẻ. Màu sắc, ánh sáng, âm thanh và tiếng ồn, nhiệt độ và không gian vật lý sẽ tác động đến mức độ căng thẳng của trẻ, vì vậy, cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, học tập và hành vi của các em. Hãy cùng tôi tìm hiểu kĩ hơn về các yếu tố của môi trường học tập xung quanh ảnh hưởng thế nào đến con em nhé.

 

  1. Chiều cao trần, màu tường và ánh sáng:

Một nghiên cứu của Read et al. công bố năm 1999, cho thấy chiều cao trần hoặc màu tường khác nhau có liên quan đến mức độ hợp tác ở hành vi của trẻ em. Trong nghiên cứu tiến hành năm 2007, Makhmalbaf và Yi-Luen Do chỉ ra các đặc điểm môi trường như độ sáng không gian, màu sắc tường, chiều cao đồ vật nội thất, việc tiếp xúc trực quan với tranh vẽ hay các vật thể khác sẽ ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo của trẻ. Nghiên cứu của Vasandani năm 2016 xác định: Có mối liên hệ giữa hành vi của trẻ em và môi trường vật chất của lớp học. Những nghiên cứu trên và nhiều nghiên cứu khác nữa đã minh chứng rằng môi trường vật chất ở đây không chỉ là kết cấu kiến trúc mà còn là việc trẻ em gắn kết với môi trường xung quanh một cách có ý nghĩa và nội tâm hóa chúng. Trẻ em thích được ở những nơi sáng sủa, thoáng mát có nhiều đồ chơi và bạn bè đồng trang lứa.

 

Vì vậy, trong những môi trường này, sự tiến bộ, động cơ thực hiện và các mối liên hệ xã hội của các em được nhận thấy cao hơn gấp nhiều lần. Điều cần chú ý là khi muốn tạo ra không gian thân thiện giúp các em học và chơi tốt nhất, trường học và các bậc phụ huynh hãy làm theo lời khuyên bổ ích của các chuyên gia để xây dựng nên nhiều không gian kích thích sự phát triển của trẻ.

 

Các yếu tố môi trường vật chất có thể đóng vai trò trong việc nâng cao sự tiến bộ, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo của trẻ, cụ thể là: Độ sáng không gian, đặc biệt là ánh sáng mặt trời hay việc dùng màu sắc ấm áp để trang trí; việc cho trẻ tiếp xúc trực quan với các vật thể có hình dạng cơ bản; cách sử dụng đồ nội thất có chiều cao thấp hoặc không dùng đồ nội thất (nghĩa là cho trẻ ngồi trên sàn nhà),….Tất cả các yếu tố này sẽ tạo ra một môi trường làm cho trẻ cảm thấy an toàn và được bảo vệ (theo nghiên cứu của Makhmalbaf và Yi-Luen Do, 2007).

 

Các kiến trúc sư và nhà thiết kế có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực tạo ra không gian thân thiện với trẻ em luôn nhận thức được các khía cạnh của môi trường vật chất có thể ảnh hưởng đến trẻ. Nếu chúng ta xem xét một yếu tố đơn giản như tiếng ồn, ví dụ: âm thanh trong lớp học (tạp âm và tiếng vang) có thể gây khó chịu cho trẻ, làm chúng mất tập trung, gây cản trở về ngôn ngữ và lời nói, tăng mức độ căng thẳng, mệt mỏi. Các chuyên gia cũng có cách hạn chế một số âm thanh trong lớp học, ví dụ: dùng rèm cửa để giảm tiếng ồn; ốp tường bằng vật liệu cách âm; treo các biểu ngữ, áp phích và tác phẩm nghệ thuật của trẻ; trang trí nội thất tại các góc giao nhau của các bức tường; cửa và cửa sổ được bọc các vật liệu cách âm; hoặc đặt các miếng mút mềm không có cao su ở chân ghế và bàn.

  1. Màu sắc:

Bên cạnh các yếu tố trên thì một yếu tố khác cũng quan trọng không kém đó chính là màu sắc. Màu sắc không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sự rộng hoặc hẹp trong không gian, mà màu sắc còn có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng và hành vi của con trẻ. Nghiên cứu của Sugawara và Brandt vào năm 1999 đã khẳng định màu sắc ảnh hưởng đến hành vi hợp tác của trẻ trong lớp học. Đây là một điểm quan trọng vì môi trường học tập nên thúc đẩy sự hợp tác và học tập tích cực. Vậy thì, làm thế nào để bậc phụ huynh có thể áp dụng điều này trong cuộc sống hàng ngày của con em?

 

Trước hết, tôi nghĩ rằng cha mẹ nên luôn chú ý đến việc chọn màu sắc cho nội thất của phòng học của con. Màu sắc quá rực rỡ có thể làm cho con trẻ quá phấn khích và khó tập trung, trong khi màu trung tính tạo ra một không gian tự nhiên và thúc đẩy sự tĩnh tâm hơn. Cha mẹ nên tránh sử dụng màu trắng quá nhiều, bởi vì nó có thể tạo ra ánh sáng mạnh và gây mệt mỏi cho mắt của trẻ. Màu vàng, được biết đến là màu kích thích hoạt động của não, thường được ưa chuộng trong các lớp học hay phòng học ở nhà để tạo sự hứng thú trong việc học tập.

 

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng cha mẹ cũng nên khuyến khích con cái được tự do sử dụng màu sắc trong việc thể hiện và sáng tạo. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của con trẻ, bởi trẻ có thể tự tạo ra môi trường học tập tương thích với phong cách cá nhân của họ. Theo tôi, màu sắc không chỉ là sự lựa chọn trang trí, mà còn là một công cụ quan trọng để tạo nên môi trường học tập hiệu quả. Việc chọn màu sắc thích hợp có thể tạo ra sự thúc đẩy trong học tập và hình thành tâm trạng tích cực cho con em.

 

  1. Ánh sáng mặt trời:

Mặt khác, ánh sáng mặt trời là một yếu tố quan trọng cho sức khỏe tổng thể của trẻ em. Ánh sáng mặt trời được cho là có thể diệt nấm mốc, vi khuẩn, cung cấp Vitamin D. Nó góp phần tạo nên tâm trạng tích cực của trẻ và giúp kết nối trẻ với thế giới bên ngoài. Ví dụ: Các yếu tố như cửa sổ và các bề mặt sáng bóng khác có thể phản xạ ánh sáng và tạo ra các điểm sáng khắp lớp học; khi có quá nhiều ánh sáng sẽ gây ra sự kích thích quá mức và mất tập trung; khi ánh sáng yếu có thể gây đau đầu.

KẾT

Tất cả các yếu tố trên đây cùng nhiều nhân tố khác trong môi trường học tập của con sẽ tạo nên sự khác biệt lớn về cách trẻ tương tác và học hỏi khi ở trường hay kể cả ở nhà. Qua bài viết trên, tôi hy vọng đã có thể giúp quý phụ huynh hiểu thêm về tác động của môi trường xung quanh tới việc học tập của con cái cũng như cách tạo ra môi trường tốt hơn cho con em mình. Thông qua việc tạo ra một môi trường học tập đa dạng, thú vị và động viên, con em sẽ không chỉ phát triển trong khía cạnh học thuật mà còn phát triển thêm về tư duy sáng tạo hơn. Theo tôi, môi trường học tập xung quanh chính là nền tảng để con cái xây dựng những ước mơ và hoàn thiện bản thân họ.