Nếu bé nhà bạn có quá nhiều bài nhiệm vụ trong một ngày nhưng không biết nên bắt đầu làm từ đâu. Batching & Blocking sẽ là một trong những phương pháp quản lý thời gian đơn giản và hiệu quả nhất mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể áp dụng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về phương pháp này!

1. BATCHING VÀ BLOCKING LÀ GÌ?

Batching là phương pháp chia các nhiệm vụ có sự tương đồng hoặc có tính lặp lại thành các nhóm chung (batch) và làm lần lượt đầu việc của từng nhóm trong một khoảng thời gian cụ thể.

Blocking là phương pháp quản lý thời gian bằng cách chia quỹ thời gian trong ngày thành các khối (block), mỗi khối sẽ được sử dụng để giải quyết một batch nhiệm vụ tương ứng.

Batching và blocking là hai phương pháp có sự tương đồng, và chúng hoạt động hiệu quả nhất khi được áp dụng cùng nhau.

Hình dưới đây sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về phương pháp này.

2. ƯU ĐIỂM

Nếu một ngày trẻ có quá nhiệm vụ cần phải thực hiện, thì thay vì cố gắng làm hết tất cả mà không theo thứ tự nào hết, các phụ huynh có thể hướng dẫn bé nhóm các nhiệm vụ nhỏ đó thành các nhóm lớn và thực hiện cùng lúc. Điều này rất có ích cho bé trong việc duy trì sự tập trung và tối ưu hiệu quả của các đầu việc.

– Tối ưu hóa sự tập trung
Theo tác giả của cuốn sách “Quy tắc não bộ”, con người cần ít nhất 15 phút để hoàn toàn tập trung vào công việc đang làm. Nếu đang làm cái này mà nhảy sang cái kia, não của bé sẽ lại cần thêm khoảng 15 phút để làm quen với công việc mới. Điều này chưa kể đến việc khả năng tập trung của các bé dưới 15 tuổi là khá thấp. Do vậy, nếu sắp xếp các công việc có sự tương đồng cao để làm liên tiếp nhau, bé sẽ mất ít thời gian hơn để chuyển đổi sự chú ý, từ đó có thể nâng cao sự tập trung.

– Tối ưu hiệu quả của các công việc bằng cách thiết lập một “deadline ảo”. Theo nghiên cứu, chúng ta (kể cả các bé) sẽ có xu hướng làm việc theo kế hoạch đã được định sẵn ngày giờ. Nếu có một công việc khác đã được lên lịch sẵn ngay sau việc bé đang làm, và bé được phụ huynh nhắc nhở cụ thể về điều đó, bé sẽ thường cố gắng hoàn thành công việc sớm hơn để kịp chuyển sang công việc tiếp theo.


3. CÁCH THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP NÀY

Bước 1: Tạo danh sách việc cần làm

Hàng ngày, sau khi về nhà từ trường, phụ huynh nên cùng bé dành khoảng 10-15 phút để ghi ra các nhiệm vụ cần hoàn thành trong ngày. Điều này có thể bao gồm môn học nào cần học và các nhiệm vụ cụ thể trong mỗi môn, cùng với các trách nhiệm của bé trong gia đình. Việc này giúp bé xác định được khối lượng cũng như hình dung được các việc mình sẽ làm.

Bước 2: Gom nhóm các nhiệm vụ tương tự nhau

Nếu danh sách công việc hàng ngày của con bao gồm tưới cây, gấp quần áo, chơi với em, học toán, học văn, dọn bàn học, xem phim và quét nhà, bạn có thể hướng dẫn con phân chia chúng thành các nhóm như sau:

Học: Kết hợp học văn và toán.
Việc nhà: Quét nhà, dọn bàn học, gấp quần áo, và tưới cây.
Thư giãn: Chơi với em và xem phim.

Bước 3: Phân chia công việc vào khung thời gian cố định.

Bố mẹ hãy giúp con xem xét mức độ quan trọng của từng nhóm công việc và cùng con chia ngày thành các khung thời gian cố định để hoàn thành từng nhóm việc đó.

Nên:
– Ưu tiên các việc cần phải suy nghĩ và động não nhiều, chẳng hạn như học bài, để sắp xếp thực hiện trước, hoặc thực hiện trong khoảng thời gian bé có sự tập trung cao nhất.
– Các nhiệm vụ không đòi hỏi nhiều khả năng tập trung, chẳng hạn như công việc nhà, có thể được xếp vào thời gian thoải mái hơn như buổi chiều hoặc sau bữa ăn.
– Sắp xếp các hoạt động giải trí sau cùng, để lấp đầy những khoảng thời gian trống và nên cân đối với các nhiệm vụ khác trong ngày. Việc sắp xếp thời gian cho các hoạt động này cũng cần có sự giám sát của phụ huynh hoặc sự tự giác của bé để tránh bị sa vào các trò chơi giải trí, làm xao nhãng khỏi nhiệm vụ chính

Bước 4: Thực hiện
Khi đã có kế hoạch cụ thể, bé cần phát huy tính kỷ luật và tự giác của mình để làm theo lịch trình đã định sẵn đó. Bạn hãy âm thầm quan sát và hỗ trợ bé, tuy nhiên cũng đừng quá cứng nhắc, bởi việc làm việc theo lịch trình thường sẽ rất dễ nản và mệt, hãy lắng nghe con để động viên hoặc cho bé nghỉ đúng lúc nhé.

Bước 5: Đánh giá và điều chỉnh
Sau một vài ngày áp dụng, bạn hãy cùng bé ngồi xuống xem lại hiệu quả của phương pháp này. Việc này sẽ giúp cả hai có thể nhận ra những điểm chưa hợp lý của kế hoạch để kịp thời hiệu chỉnh cho phù hợp với tình trạng của từng bé.

Với những thông tin này, eTeacher hi vọng có thể giúp bạn hiểu thêm về phương pháp Batching & Blocking, đồng thời nắm rõ lợi ích và cách ứng dụng của nó. Tuy nhiên, cũng như nhiều phương pháp quản lý thời gian khác, sẽ có phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Để biết có phù hợp hay không, bạn nên để bé áp dụng một cách nghiêm túc trong khoảng vài tuần, đồng thời có sự điều chỉnh linh động các yếu tố khác trong lịch trình để hợp với lịch sinh hoạt và học tập của bé nhé!