Trong thời đại ngày nay, kỹ năng lãnh đạo là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nó được xem như tiền đề dẫn tới thành công sau này cho trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành người lãnh đạo một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất lãnh đạo bẩm sinh. Vì vậy, cha mẹ cần rèn luyện cho con những kỹ năng và phẩm chất này ngay từ khi còn nhỏ để giúp con thành công trong cả trường học và cuộc sống.

 

1.Khả năng lãnh đạo được hiểu như thế nào?

Khả năng lãnh đạo là kỹ năng được sử dụng để định hướng, sắp xếp những cá nhân, những bộ phận cùng phối hợp thực hiện chung một nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu chung.

Kỹ năng lãnh đạo còn là sự phối hợp nhiều kỹ năng, nhiều kiến thức ở nhiều khía cạnh khác nhau. Người có kỹ năng lãnh đạo sẽ tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để vạch ra hướng đi rõ ràng, và các hành động cụ thể để đạt được kết quả mong muốn.

Người lãnh đạo là người đứng đầu một tổ chức hay một tập thể có vai trò dẫn dắt, định hướng và xây dựng mối quan hệ giữa những thành viên trong cùng một tập thể cùng vận hành theo một hệ thống nhất định.

2.Tại sao phải dạy con khả năng lãnh đạo ngay từ khi còn nhỏ?

Kỹ năng lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người dù là ở độ tuổi nào. Việc phát triển kỹ năng lãnh đạo giúp cá nhân trở nên tự tin và có khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong cuộc sống hay môi trường làm việc.

Khi trở thành một người lãnh đạo giỏi con của bạn sẽ có thể truyền cảm hứng cho người khác, hiểu và có thể hỗ trợ mọi người, là người can đảm và chấp nhận rủi ro, có những định hướng đúng đắn và tầm nhìn rõ ràng cho tương lai.

Khả năng lãnh đạo sẽ giúp con xây dựng được sự tự tin ngay từ nhỏ, từ đó bé sẽ dễ dàng giao tiếp cởi mở, dễ dàng thành công trong học tập, các hoạt động thể thao, hoạt động nhóm câu lạc bộ,… Theo thời gian được rèn luyện thường xuyên, những kỹ năng này sẽ mang lại các lợi ích ngày càng lớn khi trẻ lớn lên.

3.Cách dạy con khả năng lãnh đạo.

3.1 Phát triển khả năng nhận thức của con.

Trẻ em là những chủ nhân của tương lai và chúng không thể lãnh đạo thế giới mà không có trí tuệ và tư duy. Khả năng nhận thức không chỉ “gói gọn” trong sự thành công ở khía cạnh học tập mà ở tất cả các khía cạnh khác trong đời sống.

Cha mẹ có thể nâng cao khả năng nhận thức ở con bằng cách cho con tham gia nhiều hoạt động quan sát, lắng nghe, nhận diện, phân tích và giải quyết vấn đề. Cha mẹ hãy cho con được tiếp cận với nhiều quan điểm và lựa chọn khác nhau để trẻ nhìn nhận vấn đề sâu hơn và từ đó khuyến khích con đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình.

Ngoài ra, cha mẹ hãy rèn cho con thói quen đọc sách mỗi ngày. Sách chính là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, nó sẽ giúp con nâng cao kiến thức và tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích.

3.2 Dạy trẻ khả năng thích ứng.

Quý vị phụ huynh hãy dạy trẻ cách nhìn nhận thế giới từ nhiều góc độ khác nhau. Khi trẻ biết cách đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ, con sẽ dễ dàng tìm ra những phương án giải quyết phù hợp.

Nên dạy trẻ cách sử dụng kinh nghiệm từ những vấn đề đã giải quyết trước đó để áp dụng vào những tình huống mới. Việc này sẽ giúp trẻ không bị choáng ngợp bởi những vấn đề mới có thể xảy ra.

Cần dạy trẻ cách tập trung vào những điều mà trẻ có thể kiểm soát và chấp nhận những điều họ không thể kiểm soát. Điều này sẽ giúp trẻ giảm bớt sự lo lắng về những điều chưa làm được.

Điều quan trọng bạn nên dạy trẻ tìm cách học hỏi từ những thất bại. Khi trẻ biết cách học hỏi từ những thất bại, con sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có thể đối mặt với những thử thách trong tương lai.

3.3 Dạy bé cách lắng nghe và tiếp nhận thông tin một cách hữu ích.

Lắng nghe hay tiếp nhận thông tin không chỉ đơn thuần là một hành động về âm thanh mà nó là quá trình tập trung và tiếp nhận thông tin từ người khác.

Việc lắng nghe và tiếp nhận thông tin là rất quan trọng nó giúp cho trẻ tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất đồng thời cũng giúp các con có thể giao tiếp và xây dựng những mối quan hệ tốt hơn.

 

Nghe là một phản xạ của con người tuy nhiên để lắng nghe hiệu quả thì lại là một kỹ năng mà cần được rèn luyện mài dũa theo thời gian. Cha mẹ nên dạy cho con từ nhỏ để tạo cho bé thói quen lắng nghe tốt bằng cách dạy bé nên tập trung vào các cuộc giao tiếp, không được ngắt lời người khác, đưa ra ý kiến cá nhân và đặt câu hỏi của riêng con.

 

3.4 Dạy trẻ lập kế hoạch.

 

Nên dạy cho con trước khi thực hiện bất kì một công việc gì dù là trong học tập hay cuộc sống cũng nên viết ra các kế hoạch thực hiện để có thể hoàn thành chúng một cách tốt nhất.

 

Khi trẻ lập kế hoạch bố mẹ có thể giúp đỡ con trong việc lên kế hoạch để bé dần quen với công việc này và nên hỗ trợ, thúc đẩy để có thể hoàn thành công việc đúng hạn.

Ngoài ra bố mẹ cùng nên dành thời gian cùng trẻ xây dựng một thời khoá biểu cho các hoạt động học tập hàng ngày xen kẽ với các hoạt động nghỉ ngơi thư giãn. Việc lập thời khoá biểu rất quan trọng trong việc thúc đẩy việc học tập của con vì khi trẻ thực hiện mọi thứ theo thời khoá biểu sẽ tạo ra thói quen tốt trong việc quản lý thời gian cũng như có thể hoàn thành công việc học tập và thư giãn một cách tốt nhất. 

3.5 Tạo môi trường học nhóm cho con.

 

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của nhà lãnh đạo chính là khả năng làm việc nhóm và tài ngoại giao. Làm việc nhóm giúp cho các con có thể phát triển được những phẩm chất quan trọng như tinh thần trách nhiệm, khả năng teamwork, kỹ năng giao tiếp hoà đồng và cởi mở với bạn bè xung quanh. 

 

Nhóm học tập với bạn bè sẽ giúp con thoải mái trao đổi thông tin mỗi khi có những thắc mắc khó giải đáp. Đồng thời, khi được học chung với các bạn, trẻ sẽ có hứng thú và cảm thấy vui vẻ hơn. 

Mỗi bé đều có những tính cách hay những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau Khi làm việc nhóm các con có thể phát huy những điểm mạnh của mình và khắc phục những điểm yếu của nhau. 

KẾT: Khả năng lãnh đạo rất quan trọng đối với trẻ mong rằng trên đây là một số cách để cha mẹ có thể dạy con khả năng lãnh đạo. Cha mẹ hãy dựa theo những hoàn cảnh và điều kiện để áp dụng vào thực tế. Hãy chuẩn bị cho con những kỹ năng tốt nhất trước khi con trưởng thành và bước chân vào xã hội.