Tấm Bằng IELTS – Liệu Có Đang Là Một Món Trang Sức Đắt Tiền?

IELTS là chứng chỉ tiếng Anh có lẽ đã không còn xa lạ gì với các bạn học sinh – sinh viên tại Việt Nam nói riêng cũng như các bạn học trên thế giới nói chung. Vài năm trở lại đây, IELTS dường như đang trở thành một mục tiêu cao cả khiến cho không chỉ giới trẻ, mà ngay cả học sinh tiểu học cũng phải chạy theo để đạt được nó.

IELTS hay International English Language Testing System, là một trong những kỳ thi ngôn ngữ quốc tế phổ biến và uy tín nhất trên thế giới. Được thành lập vào năm 1989 bởi Hội đồng Anh, IDP Australia và Cơ sở kiểm tra tiếng Anh Cambridge. IELTS đã trở thành chuẩn mực đo lường khả năng sử dụng tiếng Anh của người học và người lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với học sinh, sinh viên Việt Nam, IELTS là một chứng chỉ mang lại rất nhiều lợi ích. Như chứng chỉ này có thể giúp xin việc dễ dàng hơn, mở rộng cơ hội săn học bổng hay du học. Bên cạnh đó việc có được chứng chỉ này còn giúp học sinh được miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng vào một số trường đại học top đầu ở Việt Nam…

Vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi IELTS ngày càng được ưa chuộng. Ngày nay IELTS không còn đơn thuần là một phương thức đánh giá năng lực về ngôn ngữ mà đã thành một “xu hướng” của xã hội, một thứ “thời trang” mang dáng vẻ giáo dục hay là một món đồ “trang sức” cho người học. Có vài người còn không hiểu rõ IELTS là gì, là một bài test như thế nào nhưng cũng bắt ép con em mình theo học bởi tâm lý “sính ngoại” của bản thân.

Tôi nhìn thấy sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường đào tạo tiếng Anh khi ngày một nhiều bạn trẻ chọn học IELTS thay vì học tiếng Anh phổ thông như trước đây. Với tư cách một sinh viên năm ba và cũng có niềm yêu thích với các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS hay Toeic thì tôi có những suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề này.

Có những quan điểm cho rằng, cho con học IELTS sớm để sau này con sẽ đạt được những thành tích cao hơn. Liệu đây có là một quan niệm đúng đắn không? Theo quan điểm của tôi thì việc học IELTS càng sớm không hẳn là càng tốt. IELTS học thuật (loại bài thi mà đại đa số học sinh – sinh viên của Việt Nam chọn) được thiết kế dành cho những ai có ý định nhập học đại học. Bài thi này đánh giá trình độ tiếng Anh của bạn có phù hợp cho môi trường học thuật hay không. Khi các bạn trẻ bắt đầu học IELTS quá sớm, họ dấn thân vào một bài thi không được thiết kế cho tuổi của họ. Bài thi IELTS không khuyến khích cho các thí sinh dưới 16 tuổi tham gia” – theo Hội Đồng Anh. Bởi các chủ đề của IELTS đều mang tính học thuật và xã hội cao (giao thông vận tải, kinh doanh, tâm lý học v..v), bên cạnh yêu cầu cao về nền tảng ngoại ngữ, bài thi này còn đòi hỏi bản thân bạn phải sở hữu một vốn kiến thức nền xã hội không hề nhỏ. Thậm chí đối với học sinh cấp 3, nếu không sở hữu một nền tảng xã hội đủ sâu, thì rất dễ lún vào vòng xoáy “Luyện IELTS mãi nhưng vẫn không đạt điểm cao”. Thế nên, nếu ở lứa tuổi tiểu học đã yêu cầu các bạn phải hiểu sâu về những vấn đề hết sức trừu tượng này, thì rất khiến học IELTS dễ trở thành học vẹt. Các học viên dưới 16 tuổi thường chưa có đủ kiến thức tổng quát và kinh nghiệm sống phù hợp để tiếp cận các chủ đề cực kỳ phức tạp được đề cập trong bài thi.

Năm trước, khi tôi có cơ hội được làm một trợ lý tư vấn giáo dục của một trung tâm luyện thi IELTS khi tôi hỏi một em nhỏ tầm 6 – 7 tuổi:

“Mục tiêu việc học IELTS của các em là gì?”
“Em học chỉ vì bố mẹ em ép”. 

“Vì bố mẹ ép” – một câu nói làm cho tôi cảm thấy kỳ thi IELTS dường như đã và đang trở thành một cơn sốt trong xã hội, một kì thi chỉ như để đu theo xu hướng. Các band điểm của nó cũng thành một mục tiêu mà nhà nào cũng mong muốn cho con mình. Phụ huynh có lẽ không biết band điểm 6.0 của con là tốt hay xấu nhưng họ biết nó cao hay thấp so với con nhà người khác. Con nhà người ta đạt band 6.0 7.0 thì con mình cũng phải theo kịp để đạt band 6.0 7.0 đó. Vậy band điểm IELTS cũng thành một lý do để cả phụ huynh lẫn học sinh so sánh, đặt lên bàn cân để so đo xem ai hơn hay kém ai. Tôi cũng đã từng thấy nhiều trường hợp có những học sinh phải thi lại chỉ vì bố mẹ chưa hài lòng với điểm số 7.0 của con, chỉ vì “con bà hàng xóm được hẳn 7.5 cơ mà”.

Đa số bạn trẻ Việt Nam đam mê tiếng Anh, nhưng một khi bị kéo vào một cuộc đua tranh, đấu đá mệt mỏi để theo đuổi band điểm ngày càng cao, họ đối mặt với nguy cơ mất đi cảm hứng và động lực học. Áp lực ganh đua gây ám ảnh và đè nặng tâm lý của người trẻ, khiến cho họ cảm thấy tự ti. Nhiều bạn học viên ở trung tâm của tôi thường nói với tôi rằng họ cảm thấy áp lực, căng thẳng nặng nề trong thời gian dài và stress nặng ngay cả trước khi thi thử. “Dù đã biết đây là bài thi thử tuy nhiên em vẫn luôn cảm thấy áp lực và lo sợ’’, một học sinh đã tâm sự với tôi cùng với vẻ mặt đầy lo lắng, xanh xao. “Em vẫn sẽ bị bố mẹ chửi mắng nếu đạt dưới 6.5”. Khi đó tôi chỉ nghĩ rằng, điểm số thực sự đã lên ngôi và được phô trương trong xã hội thì mục đích học tiếng Anh của nhiều bạn chính là để nâng cao điểm số để “so đo” hay “thể hiện” với xã hội thay vì là nâng cao trình độ tiếng Anh của bản thân, nhầm lẫn mục đích và phương tiện của việc học tập ngôn ngữ.

Học tập là cả một quá trình trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ, là cả một chặng đường dài đòi hỏi mỗi người cần sự kiên trì, chăm chỉ, tích lũy kiến thức và kỹ năng, dần dần trau dồi và cải thiện. Giáo dục và học hành là một quãng thời gian trường kỳ, chúng ta không thể học trong ngày một ngày hai đã có thể hoàn thành được mọi thứ. Và phương pháp học tập thế nào vẫn đã và đang là một dấu hỏi lớn cho rất nhiều bạn trẻ đang theo học IELTS. Xây dựng nền tảng ngôn ngữ là một quá trình kéo dài nhiều năm và đòi hỏi nhiều thời gian công sức, nhưng nhiều học viên chọn đi đường tắt và chỉ chú trọng vào các chiến thuật luyện đề và phương pháp học tủ học vẹt. Nhồi nhét vào đầu vô số câu trúc và từ vựng hết sức học thuật và phức tạp nhằm gây ấn tượng với giám khảo chấm thi IELTS. Và kết quả là nhiều học viên nói tiếng Anh một cách vụng về, máy móc cũng như chưa thực sự tự tin thể hiện bản thân một cách chân thật.

Tư duy học “đường tắt” làm cho các bạn học sinh – sinh viên thường không chú trọng vào việc xây dựng các thói quen học tập bền vững. Bản thân tôi, khi tôi học tập một thứ ngoại ngữ, tôi biết rằng kỹ năng tự học là cực kỳ quan trọng. Tôi thường xuyên ghi chép và ôn tập lại từ mới trong cuốn sổ tay từ vựng cũng như tôi kết hợp học tiếng anh với những sở thích, thói quen hằng ngày của mình. Tôi thường tiếp xúc nhiều với tiếng anh như qua việc xem phim không vietsub, đọc báo nước ngoài, nghe podcast tiếng anh hay ghi chép lyrics và hát theo những bài hát tiếng anh mà tôi yêu thích… Nhưng đa số học sinh, sinh viên ngày nay không làm như vậy vì họ coi việc đó là những hành vi học tốn quá nhiều thời gian và không mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.

Tóm lại, tôi không viết bài này để đổ lỗi cho IELTS. Bởi theo quan điểm của tôi, IELTS vẫn là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh bậc nhất thế giới. Nhưng đối với tôi nó vẫn chỉ là một công cụ, một phương tiện chứ không nên được coi là một mục đích học tập. Bởi mục tiêu của ngành giáo dục là xây dựng kỹ năng và sự hiểu biết toàn diện cho học sinh – sinh viên và đây là một thứ mà theo tôi thì khó lượng hóa được bằng một số điểm hay một con số nào đó.